Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Hội thảo khoa học “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang”
Ngày 29-7, tại thành phố Châu Đốc, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang và Ủy ban Nhân dân thành phố Châu Đốc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và Viện Sử học Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang”.

Responsive image

Hội thảo “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang”.

Hội thảo đã vinh dự đón tiếp trên 150 đại biểu là nhà khoa học đến từ các Viện, Trường, các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội, hội Khoa học Lịch sử các tỉnh thành bạn và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng. Đồng chủ trì Hội thảo gồm các ông : GS Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, ông Đặng Hoài Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử An Giang, ông Lưu Vĩnh Nguyên Bí thư Thành ủy Châu Đốc.

Hội thảo nhằm mục tiêu làm rõ thêm về thân thế và sự nghiệp của Lê Đại Cương (còn gọi là Lê Đại Cang), đánh giá những công lao đóng góp của ông đối với An Giang qua các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế xã hội trên cương vị Tổng đốc An – Hà đầu tiên (An Giang – Hà Tiên) . Qua đó, giúp An Giang có nguồn tư liệu phong phú hơn để bổ sung tài liệu giáo dục truyền thống cũng như biên soạn lịch sử An Giang – Châu Đốc qua các thời kỳ lịch sử.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Châu Đốc đã thay mặt Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố gởi lời chào mừng nồng nhiệt đến Ban Tổ chức và các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về Tổng đốc Lê Đại Cương và về tham dự hội thảo. Ông hy vọng rằng qua hội thảo này, sẽ giúp địa phương tiếp cận được nguồn tư liệu phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng đốc Lê Đại Cương – người đã để lại nhiều dấn ấn với vùng biên cương Châu Đốc – nhằm  tôn vinh xứng đáng công lao của vị Tổng đốc đầu tiên của An Giang.  

Theo GS Hoàng Chương, danh nhân Lê Đại Cương  là một nhân vật rất đặc biệt của lịch sử. Ông sinh năm 1771 tại Huế nhưng quê quán thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định. Ông là người tài ba lỗi lạc, văn võ song toàn, làm quan 41 năm - từ  năm 1802 đến 1842 - trãi qua 3 triều vua dưới thời nhà Nguyễn. Cuộc đời hoạn lộ của ông đã kinh qua lục bộ và bôn ba khắp từ Bắc chí Nam, đầy dẫy thăng trầm, vinh quang lẫn bi tráng, nhưng vẫn một lòng vì dân vì nước, không màng lợi danh, không bị khuất phục bởi uy vũ.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tên tuổi của ông gần như bị rơi vào quên lãng. 

Hiện Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn văn hóa dân tộc và Viện Sử học khởi xướng việc khảo sát, khôi phục và đề cao thân thế, sự nghiệp của ông. Nhiều hội thảo, tọa đàm về ông đã được tổ chức. Năm 2013, tại quê hương của ông ở Bình Định, Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn văn hóa dân tộc và Viện Sử học đã tiến hành hội thảo  “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” đồng thời phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn thực hiện bộ phim truyền hình xoay quanh các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của ông , giới thiệu tập “Lê Thị gia phả” và quyển “Lê Đại Cang – Nhân cách bậc Quốc sĩ” … đã phục hiện khá chân thực và toàn diện tầm vóc, vị trí của ông trong lịch sử đất nước. Năm 2015, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội tổ chức tọa đàm với hơn 10 báo cáo khoa học, làm rõ thêm giai đoạn 20 năm với 4 lần thừa nhiệm trên đất Bắc Hà của ông,  chuẩn bị tiến tới Hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” dự kiến tổ chức năm 2017.

Và hội thảo lần này “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang”  nhằm làm rõ hơn thời kỳ công cán ở đất phương Nam của ông. Hội thảo đã nhận được 68 bài tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử thuộc nhiều cơ quan, đơn vị cấp Trung ương và địa phương trong cả nước. Qua đó, đã chọn 45 bài in thành kỷ yếu và chọn thảo luận tại hội thảo. 

Theo các tác giả, năm1832,  Lê Đại Cương được vua Minh Mạng phong làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên kiêm lãnh ấn “ “Bảo hộ Chân Lạp quốc”.  Ông đã chấn chỉnh quân đội, khai mở đất, đào sông trị thủy, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, năm 1833 ông bị cách chức do Lê Văn Khôi gây binh biến ở Gia định và đánh chiếm Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1834 nhờ lập công chuộc tội và đánh đuổi quân Xiêm, ông lại được thăng chức Tham tri Bộ Binh, Tuần phủ An Giang. Dù vậy, đến năm 1838, ông lại bị cách chức làm lính khiêng võng do bị triều đình khép tội vì để quân Xiêm xúi giục Cao Miên nổi loạn, rồi tiếp theo nhận án “trảm giam hậu”.

Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) , nhà vua nghĩ đến công lao của ông nên cho phục chức Lang trung Bộ binh, thực thi nhiệm vụ ở bắc Kỳ. Tháng 10 năm 1842, đến tận 71 tuổi, ông mới được nghỉ hưu. Sau khi về hưu tại quê nhà, Lê Đại Cương đã lập chùa Giác Am để tu hành, lấy đạo hiệu là Giác Am cư sĩ. Ông mất năm Đinh Mùi (1847), thọ 76 tuổi.

 Nhiều tác giả thông qua tham luận, thảo luận, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc của mình đối với danh nhân Lê Đại Cương, một nhân cách lớn và là tấm gương sáng cho mọi thời đại. Tác giả nhà văn Đỗ Kim Cuông xem đây là nguyên mẫu hấp dẫn cho những sáng tạo văn học nghệ thuật lớn. Nghệ sĩ Nhân dân Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng cho rằng hình tượng Lê Đại Cương xứng đáng được khắc họa qua các bộ phim lịch sử - một loại hình nghệ thuật mang tính giáo dục cao… 

Responsive image

Bức tranh Văn chỉ Tuy Phước được huyện Tuy Phước trao tặng thành phố Châu Đốc. 

Kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đã đúc kết nhiều vấn đề quan trọng đã được tập trung làm rõ qua nghiên cứu từ nhiều nguồn tư liệu của các tác giả.

Thứ nhất, là xác định, khẳng định vị trí chiến lược của đạo Châu Đốc, trước thuộc trấn Vĩnh Thanh, đối với địa bàn Nam Bộ.

Thứ hai, khẳng định vị trí của An Giang trong chiến lược quân sự, quốc phòng, đối ngoại, bang giao của Nam Bộ dưới triều Nguyễn. Trong đó, nổi bật vai trò của Tổng đốc Lê Đại Cương, khi ông là Tổng đốc An Hà và Tuần phủ An Giang. Ông chứng tỏ là người có tài thao lược, đã xây đồn Châu Đốc và phát triển hệ thống sông ngòi, kênh rạch, vừa phòng thủ giữ vững biên cương vừa thúc đẩy phát triển về nông nghiệp, kinh tế, đảm bảo nhiệm vụ cung cấp quân lương và lo cho cuộc sống ấm no của người dân.

Thứ ba, quan điểm bang giao của ông đối với Chân Lạp khôn khéo và mềm dẽo,   thân thiện hợp tác. Ông sử dụng khéo léo vai trò của người Khmer tức người Chân Lạp trong quá trình xây dựng bộ máy chính quyền ở An Giang và Chân Lạp.

Thứ tư, dù con đường hoạn lộ của ông khá gập ghềnh, trắc trở, đặc biệt là trong thời gian trấn nhậm An Giang, từ Tổng đốc xuống làm phu khiêng võng, rồi đến án trảm giam hậu, nhưng với bản lĩnh của của viên quan từng trãi, ông vẫn an nhiên rắn rõi trước hoạn nạn để vươn lên làm tròn sứ mệnh của mình.

Hình tượng Lê Đại Cương qua nhận định của các tác giả luôn là một viên ngọc rạng ngời với nhân cách của một bậc Quốc sĩ, xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh. Qua đó, vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục được khai thác, nghiên cứu thêm. Nhiều đề nghị cần đặt tên ông cho những công trình công cộng như tên đường, tên trường hoặc những công trình quan trọng khác, để luôn nhắc nhở đến công lao của ông trên những miền đất mà ông đã đi qua.

Nhân dịp này, Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định – quê hương của Tổng đốc Lê Đại Cương, đã trao tặng Thành ủy, UBND thành phố Châu Đốc bức tranh về Văn chỉ Tuy Phước, được danh nhân Lê Đại Cương sáng lập năm 1843, sau khi ông về hưu tại quê nhà, để làm nơi lui tới của các văn nhân, thi sĩ.

Thanh Nguyên

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG