Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử
Để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử của địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các hội, đoàn thể TP. Châu Đốc (An Giang) và người dân địa phương đã tích cực thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa.

 Có thể nhận thấy, công tác quản lý, duy tu, bảo quản các di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. 

Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vượt trội, TP. Châu Đốc đã mang vóc dáng đô thị hiện đại và sôi động. Hàng năm, Châu Đốc thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, chiêm bái. Chính vì vậy, địa phương đặc biệt chú trọng việc xây dựng hạ tầng để đáp ứng tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa.

Châu Đốc hiện có 6 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, gồm: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền, đình Châu Phú, đình Vĩnh Nguơn và chùa Tây An; 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, gồm: chùa Bồng Lai và đình Vĩnh Tế. Năm 2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thể hiện sự trân trọng đối với loại hình lễ hội dân gian đặc sắc này.

Responsive image

Khuôn viên Miếu Bà chúa Xứ núi Sam

Thời gian qua, các di tích trên địa bàn thành phố đã được bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả gắn với phát triển du lịch và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Nhiều di tích đã được khai thác, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Công tác tổ chức lễ hội được duy trì hàng năm, bảo đảm trang trọng, lành mạnh, an toàn và không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, mê tín dị đoan, thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân địa phương tham gia.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa dựa trên cơ sở tôn vinh, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, du lịch với văn hóa.

Bên cạnh tăng cường sự đầu tư của nhà nước, địa phương đã khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Ban quản lý, Ban quý tế các cơ sở thờ tự… cùng địa phương thực hiện tốt các quy định pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo.

Phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quản lý việc tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố. Công tác chỉ đạo quản lý lễ hội, di tích có nhiều đổi mới nên các hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, phần lớn được diễn ra trong không khí trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, với nhiều hoạt động văn hóa- thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa tu bổ chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích thu hút được sự đóng góp tiền và ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Công tác tổ chức các lễ hội được thực hiện phù hợp với truyền thống văn hóa từ nội dung đến nghi thức, đúng quy định pháp luật, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến, việc chấp hành các quy định trong tổ chức lễ hội được các đơn vị, các cơ sở thờ tự... thực hiện nghiêm và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh khác.

Responsive image

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Không chỉ riêng Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội tôn giáo ở các chùa, cúng Kỳ yên tại các đình… phần lễ được tổ chức trang trọng và thành kính; phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm.

Các sinh hoạt lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền các hoạt động lễ hội được thực hiện tốt, đảm bảo thông tin chính xác trên các phương tiện truyền thông. Các hoạt động văn hóa - thể thao kết hợp quảng bá du lịch, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại địa phương ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, TP. Châu Đốc phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng, quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; đồng thời tổ chức tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn và ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa các xã, thị trấn. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích, huy động nguồn xã hội hóa từ nhân đân, tín đồ, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm kịp thời tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích bị xuống cấp.

Hình thành điểm du lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, du khách… Tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Song song đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.

Theo Báo AG

 

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG