Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Hội thảo khoa học : “Lịch sử 260 năm từ Châu Đốc đạo đến thành phố Châu Đốc (1757-2017) ”
Ngày 08 tháng 9, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang phối hợp với Thành ủy, UBND thành phố Châu Đốc và Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học ““Lịch sử 260 năm từ Châu Đốc đạo đến thành phố Châu Đốc (1757-2017) ”. GSTS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh ; Ông Đặng Hoài Dũng - Chủ tịch Hội KHLS tỉnh An Giang, Ông Lưu Vĩnh Nguyên – Bí thư Thành ủy Châu Đốc đồng chủ trì hội thảo.

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo đã nhận được 86 bài tham luận của các tác giả là những nhà nghiên cứu khoa học thuộc các Viện, trường và các địa phương trong cả nước và đã chọn ra 51 bài in thành kỷ yếu. Nội dung tập trung chủ yếu vào 3 chủ đề chính : Châu Đốc qua tiến trình lịch sử 260 năm; Kinh tế - xã hội Châu Đốc qua các thời kỳ lịch sử; và thành phố Châu Đốc hướng tới tương lai.

Các tham luận đã đánh giá vai trò Châu Đốc là một yếu địa của Biên giới Tây Nam, có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong kế hoạch phòng thủ, giữ yên bờ cõi từ thời nhà Nguyễn cho đến hôm nay.

Theo lịch sử triều Nguyễn, vào năm 1757, sau khi tiếp nhận vùng đất Tầm Phong Long do Nặc Ông Tôn – vua nước Chân Lạp dâng tặng từ việc trả ơn cứu giúp trong cuộc chiến tranh giành vương vị, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho thành lập 3 đạo gồm đạo Đông Khấu ở Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang , đạo Châu Đốc ở Hậu Giang .

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long. Năm 1816, trước việc nhận thức quan trọng về vùng đất Châu Đốc đối với biên cương phía Nam, vua Gia Long đã chỉ đạo quy hoạch và đắp bảo Châu Đốc, sử dụng nơi đây làm nơi đóng trú của quân đội, bảo Châu Đốc trở thành một dạng thành trì sơ khai.

Kể từ khi khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền vùng đất Châu Đốc, thành Châu Đốc vẫn luôn là thành trì quân sự, chính trị, kinh tế… nhằm bảo vệ, gìn giữ cả vùng đất Tây Nam Bộ. 

Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tháng Giêng năm 1859, người Pháp chiếm tỉnh Gia Định, âm mưu và xây dựng kế hoạch chiếm toàn cõi Nam Kỳ. Tháng 6 năm 1867, người Pháp bức lấy 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Sau khi chiếm thành Châu Đốc tỉnh An Giang, người Pháp tiếp tục sử dụng thành trì này trong những năm đầu chiếm đóng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, sau đó người Pháp đã phá hủy  thành Châu Đốc vào năm 1882 và xây dựng thành PC của Pháp tại đúng vị trí trung tâm của thành Châu Đốc xưa, nay chính là doanh trại của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tại Châu Đốc.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược, do yêu cầu của chiến trường, Châu Đốc thay đổi địa giới hành chính, được  sáp nhập với các vùng lân cận thành Long Châu Hà (tháng 10 năm 1950 đến tháng 5-1974).  

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 02-1976, tỉnh An Giang được thành lập bao gồm 2 thị xã Long Xuyên và  Châu Đốc. Đến 19-7-2013, Chính phủ ra Nghị quyết 86/NQ-CP về việc thành lập thành phố Châu Đốc, bao gồm 5 phường và 2 xã với trên 127.000 dân.

Bốn mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, thành phố Châu Đốc phát triển vượt bậc. Từ một thị xã nhỏ, ven biên, nay đã trở thành thành phố loại 2 thuộc tỉnh với nền kinh tế thương mại phồn thịnh, nhiều công trình phúc lợi được mở mang, kiến trúc đô thị được nâng chất tạo nên cảnh quang xanh, sạch, đẹp xứng tầm là đô thị du lịch… 

Phát biểu chào mừng hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc Cao Xuân Bá đã thay mặt Thành ủy, UBND thành phố gởi lời chào mừng đến tất cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu tham dự và các cơ quan thông tấn báo chí đã có mặt để đưa tin. Ông cho rằng : Hội thảo khoa học lần này có ý nghĩa quan trọng giúp đánh giá đúng, đầy đủ về quá trình phát triển của thành phố Châu Đốc xưa và nay. Đặc biệt là đánh giá đúng những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Châu Đốc đã đóng góp vào hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc và công cuộc đổi mới , phát triển, xây dựng thành phố Châu Đốc thành đô thị văn minh, hiện đại.

Theo GSTS- Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Châu Đốc hoàn toàn có đủ cơ sở để đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại I – một thành phố năng động với thế mạnh du lịch nổi tiếng trong nước và khu vực. Cơ sở để xây dựng đô thị Châu Đốc là nguồn lực con người, nguồn tài nguyên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể … được hình thành và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử. Khai thác hiệu quả những nguồn lực đó sẽ giúp cho Châu Đốc có được những thế  mạnh đặc trưng để phát triển nhanh và bền vững...

Ông Đặng Hoài Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang đã cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.

Theo đó, có các nhóm đề xuất được ghi nhận, bao gồm : Phát triển và đẩy mạnh kinh tế mậu dịch biên giới, tiến tới xây dựng thành phố Châu Đốc là một trung tâm thương mại, mậu dịch với Campuchia và các nước ASEAN; Xây dựng thành phố Châu Đốc gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu kinh tế lợi thế; Phát triển thành phố Châu Đốc trở thành thành phố du lịch xanh đầu tiên ở ĐBSCL; Mở rộng các tuyến du lịch, loại hình du lịch để thu hút khách tham quan trong và ngoài nước; Ưu tiên trong việc đặt thêm tên đường, tên trường mang tên những danh nhân đã từng gắn bó với công cuộc xây dựng và phát triển Châu Đốc qua các thời kỳ lịch sử…

Các ý kiến trên sẽ được tập hợp và chắt lọc để đề xuất bổ sung vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa xã hội tại địa phương; Đề xuất những hình thức tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa tồn tại trên địa bàn thành phố…

  Thanh Nguyên

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG