Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Ngành Du lịch An Giang: Liên kết để phát triển bền vững
(Cổng TTĐT AG)- An Giang cũng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL). Cùng với Khu du lịch Quốc gia Núi Sam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể, An Giang còn có hơn 10 địa điểm du lịch khác cần được liên kết và quảng bá đến du khách trong và ngoài nước …

Kể từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Chính quyền tỉnh An Giang đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với phương châm “Nêu cao khát vọng phát triển, nói đi đôi với hành động sáng tạo, đẩy mạnh phát triển du lịch” và cũng là kim chỉ nam để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về chủ trương phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh An Giang.

Phát huy tiềm năng

An Giang là tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL, nằm trong Vùng “Tứ giác Long Xuyên” có hệ thống giao thông đường thuỷ lẫn đường bộ rất phát triển, thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách trong vùng và khu vực.

Responsive image

 Đến với điểm tham quan “Làng nổi Châu Đốc” – Du khách có thể trải nghiệm nghề nuôi cá basa

Với Quốc lộ 91 và QL.80 nối liền từ Đông sang Tây giáp với Vương quốc Campuchia, hệ thống sông MêKông có 2 con sông Tiền và sông Hậu chảy xuyên qua địa phận An Giang và đổ ra biển Đông. Ngoài ra, tỉnh có Cảng Mỹ Thới thuộc hệ thống Cảng biển Việt Nam và quốc tế, nằm trong khu vực của Cảng hàng không Cần Thơ với khoảng cách đường chim bay 50 km và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất 190 km.

An Giang cũng là 1 trong 4 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm thứ 5 của quốc gia, là trung tâm kinh tế thương mại của vùng và khu vực, đồng thời là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN như: Campuchia, Lào và Thái Lan.

An Giang còn có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dân tộc, đa tôn giáo, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến chiêm bái, tạ lễ quanh năm… Đặc biệt An Giang có các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo với 82 di tích được xếp hạng.

Trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 52 di tích cấp tỉnh; 2 Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam” và “Hội Đua bò Bảy núi”; Đặc biệt An Giang là quê hương của Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Khu lưu niệm tọa lạc trên vùng cù lao Ông Hổ xanh ngát ở giữa dòng sông Hậu hiền hòa.

Responsive image

 Khu di tích Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Là trung tâm du lịch hành hương lớn nhất Nam Bộ.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch An Giang đã có những bước chuyển mình cả về chất lượng và số lượng. Khách du lịch đến An Giang tăng trưởng với tốc độ ổn định; Số lượt khách đến với An Giang năm sau cao hơn năm trước: Năm 2017, An Giang đã đón 7,3 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế là 75.000 lượt, giá trị đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào ngân sách trên 3.700 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Ngành du lịch tỉnh An Giang đã thực hiện tốt công tác phát triển, tuyên truyền và quảng bá du lịch: Tham gia đoàn công tác học tập kinh nghiệm triển khai giải pháp “Du lịch thông minh” tại tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch. Có nhiều dự án được đầu tư quy mô lớn, nổi bật như Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ – cáp treo Núi Sam, Khu dịch vụ thương mại kết hợp văn hóa Du lịch Núi Sam, Khu công viên trò chơi Lâm viên Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư, một số dự án nhà hàng, khách sạn như Khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc, Khách sạn Sunrise Palace…

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2018, An Giang đón 6,5 triệu lượt khách (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 87% so với kế hoạch). Trong đó, số lượng khách thống kê tại các cơ sở kinh doanh du lịch ước đạt 500 nghìn lượt (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 77% kế hoạch), khách quốc tế ước đạt 50 nghìn lượt (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.200 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 75% kế hoạch).

Tạo ra giá trị “đặc sản” vùng miền – Tăng cường liên kết và hội nhập

An Giang cũng là trung tâm du lịch hành hương lớn nhất Nam Bộ, ngoài các khu du lịch nổi tiếng đang thu hút du khách trong và ngoài nước như: Miếu Bà Chúa Xứ – Khu du lịch(KDL) Núi Sam, KDL Núi Cấm … An Giang còn có hơn 10 điểm du lịch cũng không kém phần hấp dẫn du khách: KDL Búng Bình Thiên, Rừng tràm Trà Sư, Cánh đồng Tà Pạ, Làng nổi Châu Đốc, Đồi Tức Dụp, Núi Cô Tô, Cù Lao Giêng, Làng dệt Thổ cẩm Châu Giang … cần được quảng bá và kết nối với các Khu du lịch trọng điểm của tỉnh và khu vực.

Responsive image

 Khu du lịch sinh thái “Rừng tràm Trà Sư” – Biểu trưng cho nét đẹp mùa nước nổi tại An Giang

Để tạo ra chuỗi liên kết bền vững thì tại các Khu du lịch trọng điểm của tỉnh An Giang cần trang bị “Quầy thông tin”, in ấn tài liệu giới thiệu các điểm du lịch trong tỉnh mang tính “đặc sản vùng miền”. Bên cạnh đó tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch còn “khuất nẻo” của An Giang chưa được nhiều du khách biết đến trên Cổng thông tin Điện tử An Giang, Website của Sở VH-TT&DL tỉnh và các kênh thông tin xã hội: Trang FanPage trên Facebook, Zalo …

Từ đầu năm 2018, Ngành du lịch tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành và giám sát có hiệu quả các văn bản phát triển ngành, chủ động tham mưu với UBND tỉnh nhiều biện pháp hiệu quả tăng cường phát triển du lịch.

Tham gia đoàn khảo sát loại hình du lịch sinh thái cộng đồng tại Rừng Tràm Trà Sư (huyện Tri Tôn, An Giang); Tham gia gian hàng triển lãm tại Liên hoan Ẩm thực Đất Phương Nam năm 2018 tại TP.HCM; Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình An Giang thực hiện chuyên đề du lịch tháng 6/2018 với chủ đề “An Giang thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển du lịch”…Liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh ĐBSCL và các địa phương có thế mạnh du lịch trong cả nước nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng của tỉnh An Giang.

TS. Ngô Thanh Loan- Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, đưa ra một số đề xuất sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh An Giang như: Tạo cảnh quan nông thôn, cho du khách tìm hiểu đời sống người dân, tham quan, du khách tự mình trãi nghiệm tham gia các hoạt động nông nghiệp (gặt lúa, thu hoạch cây ăn trái, hoa màu), ẩm thực và Homestay.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Tỉnh đang tập trung quy hoạch tổng thể du lịch. Trước mắt ưu tiên An Giang vào 4 khu trọng điểm có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng là Khu Du lịch tâm linh Núi Sam – Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm – Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), KDL sinh thái vùng sông nước tại cù lao ông Hổ – Cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên) và Khu Di tích Văn hóa Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn).

Trước thềm Hội nghị Xúc tiến Đầu tư An Giang 2018, được tổ chức vào tháng 9 tới, Lãnh đạo tỉnh An Giang mong muốn gửi gấm đến các Nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông điệp: An Giang quyết tâm trở thành điểm đến “Hội tụ – Khám phá – Lan tỏa” trong khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Không chỉ “bức phá” trong năm 2018 mà những năm tiếp theo Ngành du lịch An Giang luôn mở rộng đầu tư, ngày càng phát triển, thu hút lượng lớn du khách quanh năm và thật sự được trải nghiệm vui chơi lành mạnh, an tâm và hạnh phúc./.

Theo CTTĐT AG

 

 

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG