Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Tăng cường công tác cảnh báo, dự báo sạt lở và các giải pháp chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở
* Tình hình sạt lở từ đầu năm 2018 đến nay

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ sạt lở, trong đó có 16 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch chính (Tân Châu: 03 điểm; Châu Phú: 01 điểm; Long Xuyên: 05 điểm; Chợ Mới: 07 điểm) và 14 điểm sạt lở đê bao kết hợp giao thông ở kênh rạch nhỏ (An Phú: 02 điểm; Tân Châu: 02 điểm; Chợ Mới: 03 điểm; Phú Tân: 07 điểm). Gây thiệt hại làm mất 4.414m2 đất với chiều dài sạt lở 1.538 m (An Phú: 90 m; Tân Châu: 200 m (50m giao thông); Châu Phú: 65 m; Long Xuyên: 228 m (kè và giao thông); Chợ Mới: 730 m (03 đoạn đường giao thông 300m); Phú Tân: 225 m), ảnh hưởng phải di dời 45 căn nhà (trong đó ở An Phú 3 căn, Tân Châu 4 căn, Long Xuyên 7 căn, Chợ Mới 31 căn (có 4 căn rơi xuống rạch Ông Chưởng)). Ước tổng thiệt hại về đất và tài sản khoảng: 4,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch chính không tăng về số vụ, mức độ nghiêm trọng và thiệt hại ít hơn (6 tháng đầu năm 2017 xảy ra 18 vụ). Đáng chú ý là có 14 vụ sụp lún, sạt lở các tuyến đê, bờ kênh, đường giao thông của kênh rạch nhỏ trên địa bàn tỉnh đang diễn ra rất mạnh so với năm 2017.

Quan sát thực tế tại 16 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch chính cho thấy có: 07 vụ là do chiều rộng lòng sông, rạch hẹp, độ uốn cong lớn, vách bờ dốc đứng cao, có cấu trúc địa chất đường bờ kém bền vững (rạch Ông Chưởng, rạch Cái Tàu Thượng, rạch Cái Sao, rạch Long Xuyên - Rạch Giá); 02 vụ do biến động lớn về dòng chảy (sông Hậu, kênh Xáng Tân An, kênh Cái Sắn), tình hình thời tiết cực đoan bất thường (mưa lớn kéo dài, mực nước thấp và chênh lệch với đường bờ cao…) và còn lại 07 vụ là do các yếu tố chủ quan như việc không quản lý tốt công trình xây dựng của người dân (tự sửa chữa nâng cấp, bê tông hóa nhà ở ven sông kênh rạch ở hầu hết các địa phương), của doanh nghiệp, các tổ chức làm gia tăng tải trọng đường bờ (việc xây kè của họ đạo, xây kè của công ty TNHH TM Tân Thành không có thiết kế và thi công không đúng kỹ thuật, chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền nên gây ra sạt lở (Châu Phú, Chợ Mới), việc gia cố, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông cặp sông, rạch nhưng chưa đánh giá hết các yếu tố tác động do mật độ giao thông thủy, bộ cao làm gia tăng tải trọng, gia tăng rung chấn, tác động sóng (đường liên xã ven kênh xáng Tân An – Tân Châu, đường ven rạch Cái Sao, rạch Cái Sắn, rạch Long Xuyên - Rạch Giá – thành phố Long Xuyên, rạch Cái Tàu Thượng, rạch Ông Chưởng – Chợ Mới).

Tất cả các vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh được các địa phương huyện, xã chủ động cảnh báo, hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa, tài sản, đặt biển cảnh báo, hạn chế giao thông, thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp tạm thời bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong… nên hạn chế được thiệt hại về tài sản và không gây thiệt hại về con người. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cử ngay lãnh đạo sở và bộ phận chuyên môn đến hiện trường để tổ chức đo đạc, khảo sát địa hình đáy sông, đánh giá nguyên nhân và đưa ra các khuyến cáo, giải pháp khắc phục để chính quyền địa phương, người dân thực hiện nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại do sạt lở gây ra, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp căn cơ để ngăn ngừa và hạn chế sạt lở; Sở NN&PTNT khảo sát, thống kê thiệt hại và hỗ trợ người dân kinh phí di dời; Sở Giao thông và Vận tải khảo sát đề xuất các phương án khắc phục đường giao thông đảm bảo thông suốt…

Các vụ việc xảy ra đều được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo phương hướng, giải pháp xử lý và kinh phí khắc phục. UBND tỉnh đã kịp thời tổ chức các cuộc họp bàn giải pháp xã hội hóa đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư để di dời người dân khu vực sạt lở; giải pháp chủ động phòng, tránh, xử lý đối với các khu vực cảnh báo sạt lở và khi có sạt lở xảy ra.

Đến nay, việc khắc phục sau sạt lở đã và đang được tiếp tục tiến hành:

UBND các địa phương đã sắp xếp dân cư ổn định cho 9/45 hộ vào các khu vực đất công, cụm dân cư vượt lũ(3 hộ ở An Phú, 4 hộ ở Tân Châu và 2 hộ ở Chợ Mới), còn 29 hộ các địa phương đang tính toán để thực hiện bố trí tiếp (huyện Chợ Mới và 7 hộ ở Long Xuyên ), đã chủ động cắm biển báo sạt lở, cấm phương tiện tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở và hướng dẫn tuyến giao thông thay thế đảm bảo giao thông thông suốt không bị tắc nghẽn…;

Sở Tài nguyên và Môi trường liên tục theo dõi các đoạn đã cảnh báo, tiến hành quan trắc khảo sát các đoạn xảy ra sạt lở để kịp thời cảnh báo, thông báo  cho chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn; đã tiến hành khoanh vùng các khu vực sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân và lập kế hoạch di dời ra khỏi khu vực sạt lở (đã hoàn thành ở Phú Tân).

Sở Giao thông và Vận tải phối hợp hỗ trợ các địa phương khảo sát, thiết kế, gia cố 578m đường giao thông: 02 đoạn tỉnh lộ 946, khu vực ấp Long Phú 1, xã Long Điền B và đường liên xã Kiến Thành – Chợ Mới (300m) và khảo sát tuyến giao thông Long Điền AB thay thế tỉnh lộ 946, gia cố tạm thời và khảo sát tuyến giao thông thay thế đường liên xã Tân An – Tân Châu (50m), gia cố tuyến đường liên xã Mỹ Khánh, kè đường liên phường Mỹ Thới, Mỹ Thạnh – Long Xuyên (228m);

Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo tại Công văn số 31/UBND-ĐTXD ngày 11/01/2016 của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ xây dựng 7 dự án kè với số vốn 1.687 tỷ đồng để khắc phục sạt lở, bảo vệ công trình trọng điểm theo Chương trình chống sạt lở khẩn cấp của Trung ương và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phần ngân sách Trung ương để đầu tư 7 cụm tuyến dân cư phục vụ tái định cư do sạt lở trên địa bàn các huyện An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu và thành phố Long Xuyên với tổng diện tích dự kiến 59,16 ha, bố trí cho 2.747 hộ dân, tổng mức đầu tư 626,321 tỷ đồng. Các cụm tuyến dân cư còn lại, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, rà soát tham mưu kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.

UBND thành phố Long Xuyên đang trao đổi với UBND Quận Thốt Nốt – Cần Thơ về việc neo đậu phương tiện thủy của Công ty Quang Phát làm dòng chảy thay đổi gây sạt lở bờ phía tỉnh An Giang.

* Công tác cảnh báo, dự báo sạt lở năm 2018

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ và tỉnh An Giang, xu thế khí hậu (ENSO) hiện tại được xác định ở trạng thái trung tính và nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái trung tính cho đến hết năm 2018; nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ (nhiệt độ cao nhất phổ biến 32-34°C, có nơi trên 34°C; nhiệt độ thấp nhất phổ biến trong khoảng 23- 25°C); thời kỳ kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn khoảng nửa đầu tháng 11/2018 và có thể có các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra trong thời đoạn ngắn, trong mưa có dông mạnh kèm tố, lốc và gió giật do hoạt động của rãnh áp thấp xích đạo vùng biển Nam Biển Đông; Đầu nguồn sông Cửu Long sẽ có những đợt nước lên vào tháng 6, tháng 7; đến cuối tháng 7 mực nước cao nhất tại Tân Châu thấp hơn mức 2,80m. Đỉnh lũ năm tại Tân Châu, Châu Đốc khả năng thấp hơn mức BĐII (BĐII tại Tân Châu là 4,00m; tại Châu Đốc là 3,50m), xuất hiện trong nửa đầu tháng 10. Triều cường vùng hạ lưu sông: sẽ lên mức cao nhất năm vào tháng 10, 11. Mực nước cao nhất năm trên Rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới có khả năng ở mức xấp xỉ BĐIII, trên sông Hậu tại Long Xuyên cao hơn từ 0,10-0,20m so với mức BĐIII (BĐIII tại Chợ Mới: 3,00m; Long Xuyên: 2,50m). Với tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn bất thường như vậy nên dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực được cảnh báo là rất cao (nhất là các đoạn sông được cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm). 

Theo kết quả quan trắc đợt II năm 2017 cảnh báo cho mùa khô năm 2018 cho thấy toàn tỉnh có tổng số 51 đoạn sông, với tổng chiều dài 162.550m có nguy cơ sạt lở. So với kết quả cảnh báo sạt lở đợt I năm 2017, vẫn giữ nguyên 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và 3 đoạn ở mức độ nhẹ. Trong đó cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm đối với 06 đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần chú ý có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại.

* Giải pháp trong thời gian tới

Để chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở trong thời gian tới, tỉnh An Giang đã và đang tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Giải pháp cần làm ngay:

Các địa phương phải nhanh chóng có phương án sắp xếp dân cư ổn định cuộc sống cho người dân khu vực sạt lở trong đó chú ý các hộ hiện chưa có chổ ở ổn định; tiếp tục chủ động cấm phương tiện tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở, cắm biển báo sạt lở và hướng dẫn tuyến giao thông thay thế đảm bảo giao thông thông suốt không bị tắc nghẽn.

Tiếp tục theo dõi, quan trắc, khảo sát các đoạn sông xảy ra sạt lở nêu trên để kịp thời thông báo, cảnh báo đến chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án chỉnh trị nhánh trái Mỹ Hòa Hưng trong 6 tháng cuối năm. Tiếp tục phối hợp hỗ trợ các địa phương rà soát, khảo sát, thiết kế, gia cố hoặc khảo sát tuyến thay thế các tuyến đường giao thông có nguy cơ hoặc sạt lở nguy hiểm trên.

Nghiên cứu khoa học khảo sát chi tiết các đoạn đã cảnh báo sạt lở đề xuất các giải pháp công trình để gia cố hạn chế sạt lở: thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng… Khẩn trương thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp”, quy chế phối hợp ứng phó để đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố sạt lở xảy ra.

Giải pháp căn cơ lâu dài

Tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở; Tiếp tục tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân và lập quy hoạch dân cư, giao thông và xây dựng kế hoạch di dời ra khỏi khu vực sạt lở. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở, chú ý phối hợp với UBND cấp huyện chấn chỉnh và siết chặt xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép. Các điểm thường xuyên có tình trạng khai thác cát trái phép thì đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo huyện, xã lập các chốt kiểm soát để ngăn chặn.

Tăng cường kiểm tra và đề xuất các giải pháp, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về phương tiện và hoạt động giao thông thủy, bộ, phân luồng giao thông thủy, bộ hợp lý để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở và phục vụ cho địa phương lập quy hoạch dân cư, giao thông.

Tranh thủ vốn Trung ương để đầu tư các cụm tuyến dân cư, tuyến kè trọng điểm cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm…

UBND cấp huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt là chấn chỉnh công tác Quản lý Nhà nước, đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông kênh rạch và khu vực cảnh báo sạt lở; Không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép;

Bám sát các dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để thường xuyên tăng cường theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo người dân; thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; có giải pháp bảo vệ đường bờ tại các khu vực đoạn cua cong; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình trong khu vực cảnh báo sạt lở. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa hạn chế sạt lở: giảm tải trọng đường bờ (cấm hoặc giảm tải phương tiện giao thông, tháo dỡ nhà hoặc kho bãi có tải trọng lớn ven bờ…), thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng…/.

Vũ Hùng

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG