Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Một đời học tập và làm theo lời dạy của Bác
Hồ Chí Minh – một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, nhà chính trị học thiên tài của thế giới, nhưng đồng thời cũng là một người bình thường với tấm lòng nhân ái, luôn yêu thương con người, yêu thương cảnh vật thiên nhiên. Sinh thời, Người rất quan tâm công tác giáo dục chính trị đạo đức cách mạng, Người thường lựạ chọn những tấm gương anh hùng liệt sĩ kiên trung, gương người tốt việc tốt để giáo dục tư tưởng cán bộ, đảng viên và thanh thiếu niên. Với Người, một trăm bài học lý thuyết không bằng giá trị một tấm gương sống điển hình.

Responsive image

Ông Nguyễn Phương Ngoan

Thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát động Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018 – 2019 nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn đảng, toàn dân. Từ đó, nêu bật những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt trong xã hội để mọi người học tập và làm theo.

Sau gần 03 năm phát động thực hiện Chỉ thị, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu lan tỏa thành bước chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên đến người lao động. Một trong những gương điển hình tiêu biểu ấy, có ông Nguyễn Phương Ngoan, một người luôn học tập và làm theo những lời Bác dạy từ khi còn là cậu thiếu niên 12 tuổi cho đến hôm nay đã là một lão nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật ngoài tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Ông Nguyễn Phương Ngoan sinh năm 1945, hiện trú tại khóm Châu Long 4, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc. Hiện là Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh An Giang 2 thành phố Châu Đốc.

 Ông được sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước đang bị giày xéo bởi Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Năm 1957, ông  theo cha tham gia cách mạng khi mới 12 tuổi. Từ nhỏ, ông đã ý thức được thế nào là yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu những người chiến sĩ cộng sản cách mạng. Đặc biệt ở thế hệ ông, những lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những bài học nằm lòng của thế hệ thanh thiếu niên, là kim chỉ nam để thực hiện lý tưởng của mình. Năm 1961, ông được điều về Nhà in trực thuộc Ban tuyên huấn Tỉnh ủy. Năm 1963 ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông sống và làm việc ở khu căn cứ địa cách mạng Ô Tà Sóc khoảng 04 năm với niềm tự hào là nơi thắp nên ngọn lửa cách mạng, là nơi ông đã thực hiện thực tế những lời dạy của Bác.

Xuân Mậu Thân năm 1968,  hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã, huyện lỵ, căn cứ của địch. Tại An Giang, bộ đội ta tiến quân vào tỉnh lỵ Châu Đốc. Năm ấy, ông được điều động về Thông tấn báo chí với nhiệm vụ phóng viên chiến trường. Tại Chỉ huy Sở, ông đã ghi lại và thông tin cấp bách về đơn vị khí thế tấn công oai hùng vào các căn cứ địch của đoàn quân ta từ khắp các ngã đường: Xe Lửa, Xe Rác, Phan Văn Vàng, rạp hát Tân Việt, cầu sắt An Biên, cầu Lò Heo Trong,  cầu Lò Heo Ngoài, Louis Pasteur, thành CB…Qua đó, giúp cấp trên nắm rõ tình hình của ta và địch một cách nhanh chóng để kịp thời chỉ đạo ứng phó thế trận, và cuối cùng ta đã thắng trong chiến dịch ấy.

Ngày 30/4/1975, cả dân tộc hát khúc ca khải hoàn sau trận đại thắng mùa xuân. Tỉnh lỵ Châu Đốc đón các anh chiến sĩ giải phóng quân trở về. Trên các trang tin của tờ báo Quyết Thắng (tiền thân báo An Giang) ngập tràn niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa của đất nước, ông là một trong những phóng viên đã đăng tin, ảnh ghi lại khoảnh khắc của sự kiện to lớn ấy để chia sẻ niềm vui đến toàn thể nhân dân.

Responsive image

Ông Nguyễn Phương Ngoan phát biểu trong một lần triển lãm ảnh tại Nhà triển lãm Thành phố Châu Đốc.

Tháng 5/1975, ông được điều chuyển về làm Văn hóa thông tin huyện Tân Châu với chức vụ Phó Phòng. Năm 1976 ông về Châu Đốc tiếp tục nhiệm vụ ngành Văn hóa thông tin với chức Phó Phòng, rồi Trưởng Phòng. Năm 1977 - Phó chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc kiêm Bí thư xã Vĩnh Nguơn. Năm 1984 - Trưởng Ban Tuyên huấn Thị ủy. Năm 1989 - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thị ủy. Năm 1996 - Phó Bí thư Thị ủy. Năm 2000, ông về hưu.

Qua những tháng năm công tác tại các đơn vị, ông luôn là một người lãnh đạo gần gũi, quan tâm cán bộ, đảng viên, hết lòng hết sức với nhiệm vụ được giao. Ông được nhận rất nhiều Huân chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và Tỉnh như: Huân chương kháng chiến hạng I, Huân chương chống Mỹ hạng I, Huân chương giải phóng hạng I, Huân chương chiến sĩ văn hóa hạng I, Kỷ niệm chương ngành Tuyên huấn, ngành Kiểm tra….

Sau khi về hưu năm 2000, với tình yêu nghề nhiếp ảnh sâu sắc, đồng thời để góp phần cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật địa phương, ông tham gia vào Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Châu Đốc, trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật thị xã và Hội Văn học nghệ thuật An Giang, ông được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Trên khắp các ngã đường mọi miền đất nước, người nghệ sĩ lớn tuổi như một cánh chim không mỏi với chiếc ống kính máy ảnh trên tay, ông ghi lại khoảnh khắc đẹp về quê hương, đất nước, đặc trưng văn hóa của con người Việt Nam. Mỗi năm ông tuyển chọn trong kho ảnh của mình khoảng 30 - 40 tấm ảnh đẹp để triển lãm trong các dịp Lễ, Tết quan trọng: Mừng Đảng mừng Xuân, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, kỷ niệm 30/4, kỷ niệm 02/9, Quốc tế Thiếu nhi 01/6…

Cuối năm 2012, nhằm để mở rộng phát triển tốt hơn hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh và thu hút đông đảo hội viên tham gia, ông họp các hội viên lâu năm của Câu lạc bộ  đưa ra chủ ý thành lập Chi hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh An Giang 2 trực thuộc Trung ương. Ông là người đứng tên bản đề nghị. Năm 2013, các hội viên vui mừng khi nhận được Quyết định thành lập Chi hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh An Giang 2 thành phố Châu Đốc do ông làm Chi hội trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thành lập Chi hội mới là sự lo lắng về kinh phí hoạt động, vật dụng phục vụ triển lãm và nơi để trưng bày ảnh. Một thách thức không nhỏ với một Chi hội còn non trẻ. Không dễ để thành lập, lẽ nào lại bế tắc con đường hoạt động? Một câu hỏi cứ hiện ra trong đầu người nghệ sĩ lớn tuổi. Việc đầu tiên ông cần làm là tìm một địa điểm thuận lợi để làm nhà trưng bày ảnh. Ông lại tiên phong đứng tên nhờ sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương xin hỗ trợ một mặt bằng để xây dựng nhà  triển lãm ảnh nhằm phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật thành phố. Và với sự nhiệt tâm, nhiệt tình của một người hết lòng vì sự phát triển nghệ thuật của địa phương, ông đã được Ủy ban nhân dân thành phố Quyết định hỗ trợ mặt bằng tại Công viên 30/4 (đối diện Bưu điện thành phố), nơi có thể nói là đẹp lý tưởng và thu hút được nhiều người thưởng thức nhất tỉnh An Giang, thậm chí khu vực ĐBSCL.

                   Việc đầu tiên đã thực hiện được, nhưng kinh phí để xây dựng nhà triển lãm, mua khung ảnh, máy chiếu, các vật dụng khác và kinh phí hoạt động của chi hội ở đâu ra? Ông lại tiếp tục tìm nguồn tài trợ. Với uy tín của một người đảng viên gương mẫu suốt đời phục vụ cách mạng, một người hết lòng vì nghệ thuật, ông vận động nhà tài trợ (xin được giấu tên) hỗ trợ xây dựng được nhà triển lãm bằng vật liệu khung sắt - mái tôn (nhà tiền chế) trị giá hàng chục triệu đồng. Song song đó, ông tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ được khoảng 200 triệu đồng dùng để: mua sắm khung ảnh hơn 100 triệu đồng, máy chiếu 18 triệu đồng…, hoạt động phí mỗi tháng 2 triệu đồng (từ năm 2013 đến nay).

Với sự nhiệt tâm nhiệt tình của người nghệ sĩ lớn tuổi ấy, Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh An Giang 2 thành phố Châu Đốc không ngừng phát triển và mở rộng hoạt động.  Đến nay (tháng 2/2019), Chi hội có 28 hội viên tham gia , hằng năm tổ chức 02 – 03 chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh để sáng tác ảnh; tổ chức triển lãm ảnh nhân dịp Lễ, Tết 05 đợt và triển lãm giao lưu 03 đơn vị Quận 1, Cần Thơ, Châu Đốc 01 đợt nhân dịp Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, thu hút hàng ngàn lượt người đến thưởng thức. Với sự chủ trì của ông, Chi hội tổ chức họp mỗi tháng một lần vào ngày 01 tây đầu tháng. Thông qua cuộc họp, các hội viên báo cáo tình hình hoạt động trong tháng, kế hoạch sắp tới, nội dung ảnh trong từng đợt triển lãm…. Để ghi nhận sự cống hiến hết mình vì nghệ thuật cũng như công tác xã hội hóa duy trì hoạt động nghệ thuật, năm 2017 ông vinh dự được  Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND thành phố khen tặng Bằng khen, Giấy khen “Hoàn thành tốt phong trào văn hóa văn nghệ”.

Có thể nói trong suốt cuộc đời của mình, ông Nguyễn Phương Ngoan luôn học tập và làm theo lời Bác dạy. Trước thì vì dân vì nước, vì sự nghiệp cách mạng, sau thì vì duy trì và phát triển văn hóa nghệ thuật, văn hóa con người Việt Nam. Ông đã học từ Bác những đức tính tốt đẹp của người chiến sĩ cộng sản, yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, sự giản dị chân thành trong mối quan hệ với mọi người và quan trọng nhất là ý chí kiên cường không lùi bước trước những khó khăn thử thách trước mắt. Và tấm gương của ông là một điển hình để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.  

Đỗ Ngọc Quyên

Trung tâm Văn hóa – Thể thao TP Châu Đốc

   

 


 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG