Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Tăng cường công tác phòng, chống mua bán người
(AGO) - Những năm gần dây, tình hình tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người (TPMBN) diễn ra hết sức tinh vi, phức tạp. Các cấp, ngành, địa phương đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm, triệt phá nhiều đường dây MBN, góp phần đảm bảo ANTT địa phương.

Đại tá Lê Văn Tiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng: Thời gian qua, tình hình liên quan đến TPMBN trên địa bàn tỉnh nổi lên do nhiều nguyên nhân, như:Điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là ở nông thôn còn hạn chế và có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài gần 100km, nên các đối tượng TPMBN dễ lợi dụng thông qua nhiều thủ đoạn. Mặt khác, nhiều phụ nữ rời địa phương đi tìm việc ở các tỉnh, thành khác; nhiều người xuất cảnh ra nước ngoài, trong đó có Campuchia, để tìm việc làm ở các Casino, dịch vụ nhạy cảm… Lợi dụng yếu tố này, các đối tượng hoạt động MBN đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn như: Dụ dỗ nạn nhân kết hôn trái phép với người nước ngoài (chủ yếu người Trung Quốc) sau đó đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán làm vợ; hứa hẹn đưa ra nước ngoài lao động hưởng lương cao rồi lừa bán vào các ổ mại dâm; lợi dụng sự quen biết, hoàn cảnh nạn nhân nghèo hoặc mối quan hệ họ hàng để dụ dỗ dẫn sang Campuchia bố trí việc làm với tiền công cao, rồi bán cho các chủ chứa hoặc bán sang nước thứ 3…

Responsive image

Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người tại An Giang

Đối với các đối tượng TPMBN đa số là người nghèo, làm thuê, mua bán hoặc không nghề nghiệp ổn định nhưng lại muốn giàu nhanh, nên đã thực hiện hành vi MBN. Ngoài ra, lực lượng Công an còn phát hiện nhiều trường hợp người nước ngoài (chủ yếu người Trung Quốc, Đài Loan) lợi dụng việc nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng cấu kết với một số đối tượng trong nước đến các vùng nông thôn, vùng sâu tìm kiếm phụ nữ để kết hôn trái phép.

Trước thực trạng này, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành làm tốt công tác phòng, chống TPMBN; tuyên truyền phổ biến pháp luật và thông tin đến người dân để cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của TPMBN và tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng, chống TPMBN. Công an các địa phương đã phối hợp các ngành liên quan duy trì hoạt động các mô hình đảm bảo ANTT, PCTP, trong đó có mô hình TPMBN hiệu quả như: “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Tổ, nhóm phụ nữ không để người thân tham gia tệ nạn xã hội”, “Tổ phụ nữ tham gia giữ gìn ANTT biên giới”, “Câu lạc bộ PCTP và tệ nạn xã hội”… Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hộiPhan Văn Tuấn thông tin: Sở đã duy trì tốt đường dây nóng 1800.8087, từ năm 2012 đến nay tiếp nhận 2.700 cuộc gọi cung cấp thông tin về MBN, giới thiệu địa chỉ hỗ trợ an toàn, tư vấn hỗ trợ các nạn nhân của TPMBN… Tỉnh đã phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ 28 nạn nhân bị mua bán trở về và 59 người nghi vấn bị mua bán. Hầu hết, nạn nhân sau khi trở về được tư vấn sức khỏe, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn. Ngoài ra, Công an còn phối hợp Bộ đội Biên phòng ngăn chặn 1 vụ có dấu hiệu MBN, giải cứu 8 nạn nhân; phát hiện xử lý 49 người nước ngoài (chủ yếu người Trung Quốc, Đài Loan) môi giới kết hôn trái phép. Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý, xét xử sơ thẩm 4 vụ (5 bị cáo) về tội MBN, không có bị cáo nào được hưởng án treo…

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với TPMBN trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ANTT trong tình hình mới”, Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” gắn với triển khai chương trình hành động phòng, chống TPMBN, chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết liên tịch, kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống TPMBN, nhất là làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, tạo việc làm cho người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Khi người dân có việc làm ổn định, có thu nhập tốt, chắc chắn sẽ giảm rất nhiều hệ lụy trong cuộc sống, góp phần ổn định ANTT địa phương.

Theo CTTĐT An Giang

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG