Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7)
(Cổng TTĐT An Giang) - Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc.

Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, đổ máu trên các chiến trường. Với lòng tiếc thương vô hạn, người sống tự nói với lòng mình: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống “nhân ái, thủy chung” của dân tộc, Nhân dân ta đã dành tình thương yêu chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình, chu đáo.

Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có Tổng Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.      

Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Tổng Hội” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức chiều ngày 17/11/1946 tại Hà Nội. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn của toàn xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Tình cảm lớn lao của Bác tiêu biểu cho tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đối với các liệt sĩ, thương binh. Người đã chỉ ra nhiều cách làm, như: đón thương binh về các địa phương, trích ruộng công, cho mượn ruộng công, hoặc chung sức phát vỡ đất mới, tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng ấy, hoa lợi sẽ để nuôi thương binh, hoặc mở lớp dạy nghề… và có thể viết thư thăm hỏi hoặc tặng quà để động viên tinh thần của họ. Mọi người nên coi đây là một nghĩa vụ, chứ không phải là một việc “làm phúc”. Người mong: Đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi”, vì “tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Mà lòng bác ái của đồng bào cũng có hạn”.

Người cũng thường xuyên nhắc các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chấp hành thật tốt các chính sách đối với thương, bệnh binh và các gia đình có công với kháng chiến. Cùng với chủ trương, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước, những việc đền ơn, đáp nghĩa của nhân dân ta đã phần nào giúp họ ổn định cuộc sống, có dịp tham gia vào các hoạt động của xã hội và góp phần vào việc xây dựng đất nước.

Trong suốt 24 năm lãnh đạo đất nước, từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương, bệnh binh và thân nhân các liệt sĩ tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Những tình cảm và sự quan tâm đó đã, đang và sẽ được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, phát huy, để tri ân với những đóng góp, sự hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ cha ông đã sống, chiến đấu, xả thân vì nền độc lập của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời qua đó giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ./.

Theo CTTĐT An Giang

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG