Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
An Giang xúc tiến đầu tư những cơ hội mới cho ngành dịch vụ - du lịch phát triển bền vững
(Cổng TTĐT AG)- An Giang không phải là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản như một số tỉnh phía Bắc, cũng không có bờ biển đẹp và núi non hùng vĩ như miền Trung, độ cao và khí hậu mát mẻ không thể sánh với Cao nguyên, nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có thế mạnh về địa lý, lịch sử- văn hóa hình thành nên địa linh-nhân kiệt, đất đai trù phú, có nhiều thắng cảnh đẹp và độc đáo nhất vùng.

Với địa hình đồi núi xen kẽ đồng bằng và sông ngòi chằng chịt, dãy Thất Sơn như một món quà quý của vùng đồng bằng Nam bộ. 

Responsive image

 Thiên Cấm Sơn. Ảnh: Trung Kiên

Dãy Thất Sơn nằm trong 2 huyện miền núi thuộc Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang. Toàn dãy có bốn cụm núi lớn xếp dài theo hướng Bắc Nam khoảng 34 km, chiều ngang theo hướng Đông Tây khoảng 18 km. Bồ Hong là đỉnh cao nhất của núi Cấm với độ cao 705m, đó là ngọn núi cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các huyện khác trong tỉnh cũng có rải rác vài hòn thấp như núi Nổi ở huyện An Phú, núi Sam ở thành phố Châu Đốc và núi Sập ở huyện Thoại Sơn.

Một thời gian dài sau khi các mỏ khai thác khoáng sản đá trên địa bàn tỉnh thuộc Thất Sơn bị khoét sâu đã vô tình hình thành những cảnh quang mới, đó là việc xuất hiện các hồ trên núi. Hồ được ví như cái giếng lớn trữ nước mưa và nước từ các mạch ngầm. Hồ còn quy tụ các dòng suối nhỏ quay về một mối, nó là nguồn nước thiên nhiên phục vụ cho sinh hoạt của dân cư sống ở vùng cao. Nước trong các hồ chứa bốc hơi làm nhiệt độ xung quanh trở nên ẩm nhẹ và không khí ôn hòa, các loại cây thích hợp phát triển tạo thành những vùng đồi sinh thái có nhiều cây trái sinh trưởng tốt. Điều này cho thấy, sau khi khai thác khoáng sản người ta không cần phải hoàn phục, môi trường sạch được trả lại nên không khí trong lành hơn, tươi mát hơn. Phần lớn các hồ qua một thời gian ẩn mình đã khoác thêm một vẻ đẹp hoang sơ, tự nó nâng lên một giá trị mới thành cảnh quang du lịch, dáng vẻ của ngành công nghiệp không khói đang thể hiện ngày càng rõ nét.

Việc chuyển hóa hình thức trên một nền tự nhiên đa dạng, rất nhiều nước trên thế giới đã biết gắn kết hoạt động hoàn phục môi trường sau khai thác mỏ với hoạt động du lịch. An Giang có đủ tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng này, nó gần giống với loại hình du lịch đang được một số nước áp dụng và đạt kết quả rất cao. Riêng trong nước gần đây, loại hình du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch tâm linh- văn hóa, du lịch địa chất…mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch nói chung thêm nhiều cơ hội phát triển.

Những “bồng lai tiên cảnh” được chuyển hóa, tạo dựng từ những ốc đảo xanh, hồ tự nhiên hoặc những  khu khai thác đá đã hết hạn hoạt động nằm rải rác ở các nơi trong cả nước. Danh từ “Tuyệt tình cốc” được khách du lịch khai sinh đầu tiên ở động Am Tiên của cố đô Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình, sau đó“ Tuyệt tình cốc” lại xuất hiện ở Hải Phòng và Lâm Đồng - Đà Lạt. 

Ở An Giang gần đây, giới nhiếp ảnh, khách tham quan, những ai đã từng lên tới đỉnh núi Tà Pạ trong dãy Thất Sơn cũng đồng tình với cái tên “Tuyệt tình cốc” ở An Giang chính là nơi này, nó không thua kém các “tuyệt cốc” khác về nét đẹp sơn dã. Thực chất đó là những mỏ đá bị bỏ hoang, sau thời gian không khai thác, nước mưa và các mạch nước ngầm đã tạo nên một hồ nước có màu xanh dương, xanh ngọc bích rất lạ mắt, vì nó nằm ở vị trí khá hoang sơ, vốn là khu khai thác khoáng sản nên xa phố thị, điều ấy giải thích vì sao nó đã có mặt khá lâu mà ít người biết đến.

Không chỉ có một, mà nhiều nơi trong dãy Thất Sơn hình thành những địa danh độc đáo như thế. Hồ Soài So, hồ Soài Chek ở núi Tà Pạ. Ô Tà Sóc, Ô Thum cũng có hồ thuộc huyện Tri Tôn. Hồ Thủy Liêm, hồ Thanh Long, hồ Ô Tức Sa ở khu vực núi Cấm- huyện Tịnh Biên. Hồ Ông Thoại ở Thoại Sơn, lòng hồ Trương Gia Mô ở núi Sam-Châu Đốc… Cứ mỗi một địa danh gắn với truyền tích về lịch sử, tôn giáo, danh nhân hay những huyền thoại chứa nhiều tình tiết li kỳ hấp dẫn.

Responsive image

Hồ Tà Pạ. Ảnh: Hoàng Nam 

        Trước đây, khu du lịch Bửu Long thuộc Biên Hòa- Đồng Nai là một vùng núi đá hoang sơ trong tình trạng khai thác đá bởi người dân địa phương. Chính quyền địa phương nhìn thấy vẻ đẹp của Bửu Long tiềm ẩn nhiều khả năng phát triển mạnh về du lịch. Được Bộ VHTT& DL công nhận di tích danh thắng Quốc gia từ năm 1990, dựa trên nền tảng của mảng văn hóa và lịch sử. Khu du lịch này sau nhiều năm khởi thảo, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, những ý tưởng mới của các doanh nghiệp dần dần hình thành, nhiều công trình hạn mục phục vụ du lịch khả thi đi vào hoạt động hiệu quả. Khu du lịch Bửu Long ngày nay trở thành một địa chỉ hấp dẫn không chỉ của người dân miền Đông Nam bộ mà còn thu hút nhiều khách thập phương và thành phố Hồ Chí Minh đến vui chơi giải trí vào những kỳ nghỉ hè hay lễ, tết. Người ta gọi nó là Vịnh Hạ Long thu nhỏ ở Đồng Nai, Đà Lạt II…

Khu du lịch Núi Cấm ở An Giang có khí hậu ôn hòa, phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ, vị trí đẹp và độ cao lý tưởng. Buổi sáng nắng ấm và trong, buổi chiều không khí se lạnh, không gian tĩnh lặng. Tượng Phật Thích Ca lớn nhất Đông Nam Á ngự trên đỉnh Bồ Hong, chùa Vạn Linh ẩn hiện trong sương, vạn vật như soi mình xuống lòng hồ Thủy Liêm mặc niệm vào 

cuối chiều.

Khu du lịch núi Sam – Châu Đốc vừa được công nhận Khu du lịch cấp Quốc gia với Miếu Bà Chúa Xứ lớn và nổi tiếng nhất vùng, Lăng Thoại Ngọc Hầu uy nghi, Chùa Tây An cổ kính …Tại đây, nhiều công trình mới đang mọc lên làm thay đổi từng ngày diện mạo của một thành phố du lịch xinh đẹp và hiện đại.

Những lòng hồ tuyệt đẹp ở vùng Bảy núi như: Hồ Tà Pạ, hồ Soài So, hồ Tà Lọt, hồ Thủy Liêm, lòng hồ Trương Gia Mô… sẽ là nơi thu hút đầu tư đối với các công trình du lịch nghĩ dưỡng, khu bảo tồn văn hóa dân tộc, khu trung tâm hành hương…

Ngoài ra, ở các cồn bãi, búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư, các cửa khẩu vùng biên…đang hướng tới xây dựng các khu du lịch sinh thái cộng đồng, khu vui chơi giải trí, khu thương mại- dịch vụ, cửa khẩu Quốc tế…tạo thành những điểm mốc khép kín để các công ty du lịch lữ hành xây dựng tua tuyến phục vụ khách tham quan, đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. 

Responsive image

Hồ Ông Thoại. Ảnh: Trung Kiên

          Các đặc sản, ẩm thực địa phương vẫn đang và luôn giữ hồn cho những thương hiệu, bởi lẽ dịch vụ-du lịch và thương mại vốn không thể tách rời nhau: Gạo Nàng Nhen, mắm Châu Đốc, khô cá lóc Thoại Sơn, đường thốt nốt Tịnh Biên, nhãn Mỹ Đức, xoài 3 màu Chợ Mới, bánh xèo núi Cấm, gà đốt Ô Thum, bò núi Sam, bún nước lèo Châu Đốc…

Trong số 54 dự án đặt ra ở Hội nghị xúc tiến đầu tư, dự kiến tổ chức trong tháng 9 năm 2018, có 22 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Điều này cho thấy chủ trương của lãnh đạo tỉnh An Giang đang hướng về hai mũi nhọn quan trọng của tỉnh là nông nghiệp và du lịch. Các danh mục hợp tác và kêu gọi đầu tư trên địa bản tỉnh An Giang (Ban hành kèm theo Quyết định số 1261/QĐ.UBND ngày 5.6.2018) đang đặt sẵn để chờ đợi cái bắt tay thân thiện từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, An Giang cần nắm rõ lợi thế về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh khẳng định:“An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, phát triển bền vững nguồn nhân lực, các dự án kêu gọi đầu tư nhằm mục tiêu khai thác tốt lợi thế vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long”. Việc cần làm ngay là khẩn trương hoàn thiện, bổ sung nội dung liên quan đến ưu đãi trong thu hút đầu tư ở 2 lĩnh vực mũi nhọn trên, có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư trên cơ sở định hướng phát triển của tỉnh.

          Tiềm năng có. Thế mạnh có. Chính quyền và nhân dân An Giang thể hiện quyết tâm cao bằng hành động thiết thực, bằng chủ trương và quyết sách đúng đắn thì nhiều cơ hội đầu tư mới sẽ được mở ra.  

         Khai thác từng thế mạnh trên các lĩnh vực trọng tâm để đạt đến mục tiêu phát triển bền vững là công việc cần thiết, đầu tư đúng sẽ mang về những lợi ích kinh tế không nhỏ cho địa phương, nâng cao mức hưởng thụ về vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

        Tuy sự phát triển nào cũng chứa đựng những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, rác thải, các tệ nạn…Chỉ có quyết tâm làm trong sạch môi trường tự nhiên, trong sạch môi trường đầu tư thì sự nghiệp đổi mới sẽ thành công, cuộc sống người dân được nâng lên và xã hội phát triển.

         Nhiều cơ hội và thách thức vẫn đang chờ đợi chúng ta.

Theo CTTĐT AG

 

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG