Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
An Giang: Quan tâm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã ban hành các Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng hương ước, quy ước và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL ở các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp tục được củng cố, góp phần đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến pháp luật. Tỉnh hiện có 185 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 191 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.041 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày một nâng lên, đa số đều có trình độ, thâm niên công tác và am hiểu pháp luật.

Nội dung và hình thức phổ biến giáo dục pháp luật khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng trong tỉnh. Qua đó, tập trung triển khai 30 văn bản QPPL mới được ban hành, các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Ngoài ra, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, các báo cáo viên còn triển khai các văn bản theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 30 Hội nghị triển khai văn bản pháp luật, có 2.970 lượt người tham dự; Biên soạn, in ấn và cấp phát 13.999 tài liệu; Biên soạn 24 tình huống pháp luật mới phát sóng trên Đài PT-TH năm 2017. Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả “Ngày pháp luật” để thông tin thời sự, chính trị, triển khai các văn bản pháp luật và gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng: phát sóng 02 tình huống pháp luật mỗi tháng, phát thanh trực tiếp “Tư vấn pháp luật” trên Đài PT-TH An Giang mỗi tháng/kỳ; đăng tải bài viết phản ánh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và giải đáp pháp luật trên Báo An Giang (mỗi tháng thực hiện 01 bài viết và 01 bài giải đáp pháp luật); tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu Bộ luật dân sự năm 2015” trên địa bàn tỉnh, có 24.490 người tham gia; Hội thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi” lần 1/2017; Hội thi “Thanh niên với các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật” lần 2/2017.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật cấp xã, tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, ngăn sách, túi sách pháp luật: Trong năm 2017, cấp phát 1.414 tài liệu pháp luật các loại cho tủ sách pháp luật trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 1.002 tủ sách với số lượng trung bình 280 cuốn sách/tủ. Hàng năm các tủ sách tiếp nhận, bổ sung trung bình thêm 14 đầu sách mới, với số lượng người đọc khoảng 27.616 lượt người….

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 888 tổ hòa giải với 6.086 hòa giải viên. Trong năm 2017, tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt 90%. Việc chi cho công tác hòa giải thực hiện theo quy định, hòa giải thành được chi 200.000 đồng/vụ việc; hòa giải từ 03 lần trở lên không thành được chi 150.000 đồng/vụ việc.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tuy có tăng cường nhưng sức lan tỏa chưa sâu. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu tập trung đến các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và các tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp có sử dụng lao động. Một số nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật mới dừng lại ở việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, chưa tổ chức triển khai đầy đủ trên thực tế; một số địa phương hoạt động chưa đều, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa phát huy được hết trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng PBGDPL.

Các Tổ Hòa giải còn lúng túng trong việc ghi biên bản hòa giải, ghi chép vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở trong quá trình giải quyết vụ việc hòa giải; việc thực hiện chi cho hoạt động hòa giải còn chưa đầy đủ, kịp thời. Các huyện, thị xã, thành phố chỉ mới bước đầu quan tâm xây dựng quy ước khóm, ấp, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế.

 Nguyên nhân là do công tác phổ biến giáo dục pháp luật một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên, chưa khắc phục được tính hình thức trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Việc khai thác và quản lý tủ sách pháp luật ở một số xã, phường, thị trấn chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Thành viên của các Tổ hòa giải thường không ổn định; trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải của nhiều thành viên Tổ hòa giải còn hạn chế. Trình độ của Trưởng, Phó khóm, ấp của một số địa phương còn hạn chế nên việc xây dựng quy ước còn rập khuôn từ quy ước mẫu dẫn đến dài dòng, khó thực hiện. Nguồn kinh phí cho các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tuy được quan tâm bố trí nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, việc vận động xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn do tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp….

Trong năm 2018, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật, luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua trong năm 2017, có hiệu lực trong năm 2018, các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề khởi nghiệp và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai thực hiện Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021… Tiếp tục triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020./.

Nguyễn Hùng

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG