Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
An Giang: Quan tâm hỗ trợ đầu ra cho nông sản an toàn
Trong thời gian qua, việc hỗ trợ đầu ra cho nông sản an toàn luôn được ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện. Bằng các giải pháp hỗ trợ vùng sản xuất, kêu gọi đầu tư và kết nối doanh nghiệp. Nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo (Jasmine, nếp), cây ăn quả (chuối, xoài), chăn nuôi (heo bò), thuỷ sản (cá tra, tôm càng xanh, con giống thuỷ sản), dược liệu (sâm bố chính, ba kích, đinh lăng, củ huyền tinh), rau an toàn, ... đã dần được xác lập.

Đối với lĩnh vực lúa gạo

Những năm qua, mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn, An Giang đã liên kết với các doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Vinacam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trịnh Văn Phú, Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn, Tấn Vương, Công ty Lương thực Miền Bắc, … tăng dần qua các năm. Cụ thể, như chuỗi liên kết với Lộc Trời ở An Phú đạt diện tích mỗi năm từ 300 – 500 ha, mang lại lợi nhuận cho nông dân cao hơn từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha; Vùng sản xuất lúa gạo an toàn sinh học tại các xã Vĩnh Lộc, Phú Hữu huyện An Phú được hình thành và tiếp tục phát triển đến nay đã đạt diện tích bình quân 400 – 600 ha/năm, lợi nhuận tăng thêm từ 3 – 3,5 triệu đồng/ha. Hay nhiều mô hình trồng lúa chất lượng cao, trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ ở nhiều địa phương đã được cấp giấy chứng nhận chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn toàn thực phẩm.. Vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao gắn với phát triển cánh đồng lớn ứng dụng “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” và các tiến bộ khoa học và công nghệ (san bằng mặt ruộng ứng dụng tia laser, máy cấy lúa, máy gom rơm, máy băm rơm...) có tổng diện tích gieo trồng đạt gần 77.778 ha. Hiện có khoảng 19 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác và 22 doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao.

Đối với cây ăn trái

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất Xoài 3 màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm” tại 03 xã cù lao giêng huyện Chợ Mới. Đến nay, kết quả thực hiện như sau:

Hiện đang triển khai thực hiện tại 3 xã Cù lao Giêng với diện tích cụ thể: Tấn Mỹ 147.47 ha ( 153 hộ); Mỹ Hiệp 225,2 ha ( 360 hộ); Bình Phước Xuân 127 ha (217 hộ). Phối hợp Viện Cây ăn quả Miền Nam đã tổ chức tập huấn cho nông dân của 3 xã về sản xuất Xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng tới sẽ tiếp tục tập huấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch hình thành các HTX cây ăn trái (Xoài) tại 3 xã. Đồng thời mời gọi Công ty TNHH Chánh Thu đã tổ chức gắn kết để tiêu thụ sản phẩm Xoài VietGAP của nông dân 3 xã Cù lao Giêng.

Đối với Rau màu

Trong thời gian vừa qua, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chứng nhận 13 vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 2.697 ha tại các huyện, thị: Chợ Mới, Châu Thành, TP. Long Xuyên và An Phú.

Mạng lưới kinh doanh và tiêu thụ rau màu của tỉnh An Giang khá đa dạng và phong phú. Ngoài tiêu thụ tại 02 chợ đầu mối lớn của tỉnh là Châu Đốc và Long Xuyên thì sản phẩm rau màu của tỉnh được tiêu thụ ở Tp.HCM, Kiên Giang,….; Sản phẩm rau, màu của nông dân chủ yếu do các thương lái thu mua tại ruộng của nông dân thông qua mạng lưới trung gian, cung cấp cho các sạp, hộ kinh doanh rau quả tại các chợ trước khi đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, rau màu của nông dân cũng được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tại siêu thị Coop Mart Long Xuyên và một số bếp ăn của trường học…, nhìn chung chất lượng tốt và đảm bảo về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do nông dân phải đáp ứng yêu cầu của các cơ sở tiêu thụ này.

Bên cạnh đó, An Giang có một công ty hoạt động xuất khẩu rau màu là Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Công ty này đang có 25 mặt hàng đông lạnh và đóng lon xuất khẩu. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty tăng cường liên kết với nông dân xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, cung ứng đủ cho thị trường trong nước và ngoài nước. Công ty đã triển khai ký kết hợp đồng với gần 4.000 nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu trồng gần 2.500 ha bắp, đậu ở các huyện Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn,….

Riêng lĩnh vực rau màu ứng dụng công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã bước đầu hỗ trợ một số doanh nghiệp như: Phan Nam, Nhựt Trường, Giving’s farm, SD, Vĩnh Phước… thực hiện sản xuất có hiệu quả, các công ty này bản tạo được thương hiệu riêng, tạo ra được các sản phẩm an toàn và theo hướng hữu cơ, là những điểm đến cho các cá nhân khác học hỏi và làm theo…/.

NGUYỄN HÙNG  

 

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG