Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị cử tri về thời gian giữ chức vụ Trưởng khóm, ấp; phụ cấp kiêm nhiệm
(Cổng TTĐT AG)- Ngày 13/8/2018, Bộ Nội vụ có văn bản số 3858/BNV-CQĐP về trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri đã gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV nội dung như sau:

“1. Đề nghị nâng thời gian giữ chức vụ của Trưởng khóm, ấp trong nhiệm kỳ là 5 năm.

2. Cử tri đề nghị tiếp tục nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong đó cần xem xét bỏ Hội đồng nhân dân cấp xã, do thực tiễn hoạt động thời gian qua không hiệu quả, bộ máy cồng kềnh.

3. Sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế từ Trung ương đến địa phương là chủ trương đúng nhưng dẫn đến một vị trí kiêm nhiệm nhiều việc, cử tri đề nghị có chế độ chính sách phụ cấp thêm cho các người kiêm nhiệm để tương xứng với sức lao động và trách nhiệm với công việc”.

Bộ Nội vụ trả lời như sau:

1.    Về nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố

Tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT- BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố đã quy định: “Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ là hai năm rưỡi hoặc năm năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thống nhất và phù hợp điều kiện cụ thể ở địa phương”.

2.    Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Tại khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, Theo đó, khoản 2 Điều 4 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 của Luật này”.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện Luật tổ chức chính quyên địa phương năm 2015 trên cơ sở báo cáo của các địa phương, bộ, ngành, làm căn cứ đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong thời gian tới, trong đó có nội dụng nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

3. Về chế độ phụ cấp cho người kiêm nhiệm.

a) Hiện nay, chế độ phụ cấp cho người kiêm nhiệm được quy định tại các văn bản sau:

- Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Thông tư số 78/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đâu cơ quan, đơn vị khác.

- Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

b) Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong đó có vấn đề cử tri nêu./.

Theo CTTĐT An Giang

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG