Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Các điểm nhấn trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi gồm 11 chương, 96 điều, đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và 5. Hiện nay, tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đây là một trong những dự thảo luật quan trọng, được nhiều tầng lớp Nhân dân quan tâm.

Các nội dung lớn của dự thảo luật đang có nhiều ý kiến đóng góp, bao gồm: nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài Nhà nước hay không? Cơ quan nào được giao kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai tài sản (KKTS)? Nên thu hẹp hay mở rộng đối tượng có nghĩa vụ KKTS? Phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ KKTS không giải trình được hợp lý về nguồn gốc?... Dự thảo luật (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của luật năm 2005, thể hiện quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước, tạo khung pháp lý chung để phòng ngừa là chính.

Nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa TN ra khu vực ngoài Nhà nước: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện. Thực tế, tình hình TN khu vực này đã và đang xuất hiện, làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước và hiệu quả công tác PCTN. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW, đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 và phù hợp yêu cầu Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống TN mà Việt Nam là thành viên. “Chúng tôi thống nhất nội dung này. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với đối tượng ngoài Nhà nước cần có quy định cụ thể, vì những đối tượng này đã được điều chỉnh ở những luật và quy định khác. Việc quy định có thể gây chồng chéo, trùng lắp và khó áp dụng trên thực tế” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Trung nêu ý kiến.

Responsive image

Đại biểu đóng góp ý kiến dự thảo luật

Nội dung có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ KKTS không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Khoản 6, Điều 3 dự thảo Luật PCTN giải thích: “Không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm” là “việc giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và cũng không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó”. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp, gây nghi ngờ trong dư luận. Việc đưa quy định này vào dự thảo luật là bước tiến mới trong công tác PCTN.

Tuy nhiên, do liên quan đến quyền sở hữu tài sản - là quyền cơ bản của công dân - nên việc xử lý cần cân nhắc, thận trọng, bảo đảm hài hòa, cân đối cả về tính pháp lý, chính trị và thực tiễn xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận và tài liệu liên quan cho tòa án. Tòa án sẽ xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình, bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (nếu người KKTS giải trình hợp lý), thu hồi tài sản, thu nhập (nếu không giải trình hợp lý). Thứ hai, trường hợp có kết luận nhưng cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có, thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, việc thu thuế không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, nếu các cơ quan thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có.

Ông Võ Phước Trừ, Ủy viên Thư ký Hội Luật gia tỉnh khẳng định: “Chúng tôi thống nhất chọn phương án 1, tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tính hợp lý hoặc không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định thẩm quyền, thủ tục để tòa án thực hiện quy định này”. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh La Hồng lại băn khoăn: “Theo tôi, việc thu thuế sẽ phù hợp hơn. Có thể thực hiện phương án 2 trước, sau một thời gian áp dụng, tiếp tục cân nhắc sửa đổi, chuyển sang phương án 1 cũng được. Cần phải thực hiện từng bước, nếu không rất khó áp dụng vào thực tế”.

Ngoài ra, các ý kiến đóng góp còn đề nghị bổ sung quy định xử lý một số hành vi TN phi vật chất (như nhận cây cảnh giá trị cao, vé đi xem bóng đá ở nước ngoài…); mở rộng giới hạn cấm đe dọa, trả thù, trù dập “người phát hiện, phản ánh, báo cáo, tố cáo hành vi tham nhũng, người cung cấp thông tin về tham nhũng” và người thân thích của họ; hướng dẫn cách thức KKTS để tránh kê khai qua loa, thiếu sót… Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các ý kiến và sẽ đóng góp với Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.  

Theo báo AG

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG