Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023 là “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn thành phố Châu Đốc. Đây được xem là điểm nhấn về công tác đảm bảo ATTP, qua đó, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cũng như chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm.


Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố Châu Đốc, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, UBND phường, xã và các cơ quan liên quan, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về vấn đề ATTP đã có chuyển biến tích cực.

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, mùa lễ hội Xuân 2023 và 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố Châu Đốc không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm được thực hiện chủ động, thường xuyên tại tất cả các tuyến thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, truyền thông, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm.

Công tác giám sát, xử lý các tình huống khi xảy ra ngộ độc thực phẩm được chú trọng. Các cấp, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ điều tra ngộ độc thực phẩm để ứng phó kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng buôn lậu thực phẩm, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng... diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới việc bảo đảm an ninh, ATTP.

Trong năm 2022 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra ATTP trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 tại 12 cơ sở; kiểm tra 35 lượt 55 cơ sở và 180 hộ tiểu thương tại chợ Châu Đốc. Qua kiểm tra Đoàn đã nhắc nhở các cơ sở thực hiện niêm yết giá, thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy, các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định và thường xuyên kiểm tra hiệu lực kiểm định của cân lò xokịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm. Kiểm tra 17 cửa hàng kinh doanh phân bón và thuốc BVTV trên địa bàn thành phố. Kết quả không phát hiện vi phạm.

Ngành Nông nghiệp tiếp nhận 56 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, thẩm định trả kết quả 55 cơ sở. Ngành Y tế cấp  mới 30 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đến nay đã cấp 238 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 220 cơ sở. Ngành Công thương hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm do Sở công thương tiếp nhận. Đối với cơ sở nhỏ lẻ thuộc cấp phường, xã quản lý, Ủy ban nhân dân phường, xã đã thực hiện cập nhật danh sách, tổ chức cho các cơ sở thực hiện việc ký cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ATTP, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác đảm bảo ATTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 sẽ được thực hiện đồng loạt trên toàn thành phố, ở tất cả các cấp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Đồng thời, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo ATTP.

Trong thời gian từ ngày 15/4 - 15/5, các cấp, ngành sẽ triển khai đồng loạt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP đối với các cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý, chú trọng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; thực hiện truyền thông rộng rãi ở tất cả các cấp; đồng loạt kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể (cơ quan, trường học, doanh nghiệp), chợ, cửa hàng, nơi sản xuất, giết mổ gia súc, gia cầm…

Tại tuyến thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch đã xây dựng; đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo tuyến xã xây dựng kế hoạch, quán triệt tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn quản lý.

Các ngành Công thương, Nông nghiệp, Y tế tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống theo thẩm quyền và phân cấp quản lý.  Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức phù hợp và hiệu quả để người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tiếp cận được các văn bản mới của nhà nước quy định về an toàn thực phẩm.

Về tuyến phường, xã, chỉ đạo Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm xã và các đơn vị liên quan thực hiện hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tăng cường công tác giám sát hậu kiểm, kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2023 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

 Gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm../. 

(L.LOAN)

 

 

 

 

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG