Châu Đốc có vị trí địa lý khá đặc biệt nằm ở ngã ba sông, nơi sông Hậu và sông Châu Đốc gặp nhau; giữa 4 cửa khẩu kinh tế là: cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - huyện Tịnh Biên, cửa khẩu quốc gia Khánh Bình - huyện An Phú và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - thị xã Tân Châu. Từ vị trí này, thành phố Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung hàng hoá buôn bán với Vương quốc Campuchia qua cả hai đường thuỷ và đường bộ.
Thành phố Châu Đốc thuộc vùng đồng bằng của tỉnh An Giang do phù sa sông Hậu bồi đắp. Địa hình thấp dần theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Ở trung tâm có Núi Sam đột khởi lên giữa đồng bằng tạo nên cảnh quan độc đáo. Phía đông có sông Châu Đốc và sông Hậu chảy theo chiều Bắc - Nam. Phía Tây có kênh Vĩnh Tế chạy song song với biên giới Campuchia, nối liền với thị xã Hà Tiên. Địa hình chia cắt bởi các kênh rạch ngang dọc. Với địa hình đa dạng, Châu Đốc có điều kiện phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp.
Thành phố Châu Đốc nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mang những đặc tính chung của khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nóng ẩm quanh năm, nhiệt độ bình quân hàng năm 25oC - 29oC, nhiệt độ cao nhất từ 36oC - 38oC, nhiệt độ thấp nhất hàng năm thường xuất hiện vào tháng 10, dưới 18oC. Khí hậu hàng năm chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 trùng với gió mùa Tây Nam; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau trùng với gió mùa Đông Bắc; lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1500mm. Khí hậu, thời tiết thành phố Châu Đốc có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thích nghi với các loại cây trồng; đặc biệt là cây lúa và cây màu. Thành phố ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng chịu sự tác động mạnh của chế độ thuỷ văn gây nên hiện tượng ngập lụt, sạt lỡ đất bờ sông…
Theo đặc điểm thổ nhưỡng, Châu Đốc có 6 nhóm đất chính; trong đó nhóm phù sa ngọt và phù sa có phèn chiếm 72% diện tích tự nhiên. Phần lớn đất đai của Châu Đốc rất màu mỡ, có độ thích nghi để canh tác, phù hợp với nhiều loại cây lương thực, cây ăn trái, một số cây công nghiệp nhiệt đới và một phần diện tích có khả năng dành cho chăn nuôi. Trữ lượng nguồn nước của thành phố khá dồi dào, có thể khai thác và phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt. Rừng ở Châu Đốc đa phần là rừng đồi núi với diện tích 210ha, tập trung chủ yếu ở Núi Sam. Trong đó, rừng trồng khoảng 99ha, còn lại là rừng tự nhiên thuộc rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây lá rộng với 154 loài cây quý hiếm, thuộc 54 họ.
Hiện nay, Châu Đốc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị, văn hoá, du lịch gắn với các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang nâng cấp các xã nông thôn mới.
Thành phố Châu Đốc ngày nay còn là trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố đồng bằng đặc biệt có sông, có núi với phong cảnh tự nhiên hấp dẫn và nhiều di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp địa phương (cấp Tỉnh); địa điểm du lịch phong phú đa dạng được trải đều và liên hoàn trên toàn thành phố. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư mới, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống nâng cao, nhu cầu vui chơi giải trí từng bước được phát triển đã tạo điều kiện cho ngành du lịch thu hút khách đến tham quan ngày càng đông. Du khách phần lớn là viếng Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, hàng năm có trên 4 triệu lượt khách đến tham quan, hành hương. Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi thuyền tham quan dòng sông Hậu, dạo quanh làng bè, khu chợ nổi trên sông và sang Cồn Tiên tham quan thánh đường Hồi Giáo, xem nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm An giang và mua sắm hàng hoá, đặc sản tại chợ Châu Đốc như: mắm thái, đường thốt nốt, khô bò, khô cá tra phồng…
Ban Biên Tập Cổng Thông tin Điện tử thành phố Châu Đốc