Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Từ Lễ hội Quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đến thương hiệu đô thị Du lịch.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc là một trong những di sản văn hóa phi vật thể rất đặc biệt của cộng đồng cư dân khu vực Tây Nam Bộ và có sức lan tỏa rộng lớn khắp cả nước. Sau 16 năm được Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia, với sự nỗ lực gìn giữ những vốn quí của di sản và quan tâm đầu tư nâng chất các hoạt động phần hội, đã làm cho Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc ngày càng được thổi bùng lên một sức sống mạnh mẽ, tạo nên sức hút mãnh liệt có sức thu hút triệu lượt người dân và du khách, làm nên thương hiệu đô thị du lịch đầy hấp dẫn cho thành phố ngã ba sông…!

 Responsive image

 Đoàn rước kiệu xuống núi trong Lễ phục hiện rước tượng Bà.

Huyền thoại giữa đời thường :

Nếu như ở đâu đó trong cuộc sống mà người ta có thể tìm thấy huyền thoại tươi đẹp giữa đời thường, thì Núi Sam Châu Đốc là một nơi như thế ! Dường như từng nghi thức của Lễ hội Vía Bà diễn ra là để làm thỏa mãn sự mong chờ, ao ước của quần thể cư dân trong vùng lẫn du khách phương xa. Ban Tổ chức gồm Chính quyền địa phương và Ban Quản trị Lăng Miếu đã chọn ngày 22 - 4 âm lịch hàng năm (năm nay vào ngày 28-5 dl 2016) để phục hiện lại lễ rước tượng Bà từ nơi ngự trên đỉnh núi hạ sơn với những nghi thức vô cùng long trọng. Đây là buổi lễ được xem là mở đầu cho lễ hội, với sự tham dự của đông đảo người dân một cách nồng nhiệt và thành kính. Tiếp theo đó là Lễ Tắm Bà vào 24 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch. Lễ Thỉnh Sắc thần (Thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu) vào 15 giờ ngày 25 tháng tư âm lịch và Lễ Túc Yết và Xây chầu vào 24 giờ đêm 25 rạng 26 tháng tư âm lịch. Lễ Chánh Tế được tiến hành vào rạng sáng ngày 27 tháng tư âm lịch.

Responsive image

Trình diễn lân sư rồng – một hoạt động rất sôi động tại Lễ hội.  

Trong lễ phục hiện rước tượng Bà, trên chặng đường gần 2km ngược dốc núi giữa xế trưa, những người khiêng kiệu lên núi trong sự hộ tống của hàng chục đoàn lân sư rồng đến từ các tỉnh, thành làm nên đoàn chiêng trống rộn ràng, kéo theo sự tham gia của khách thập phương trong niềm háo hức quên cả mệt nhọc. Khi lên đến đỉnh núi, Ban Quí tế thực hiện một nghi thức trang nghiêm như thuở xa xưa cách nay hàng trăm năm trước, để thỉnh tượng Chúa Xứ Thánh Mẫu về với cư dân dưới chân núi. Tượng Chúa Xứ Thánh Mẫu được tượng trưng bằng Vương miện (Mão) và Áo bào, được may bằng vải lụa quí kết châu sa lộng lẫy. Sau mấy tuần trà rượu, hương đăng, Vương miện và Áo bào tượng trưng cho tượng Bà được thỉnh trang trọng đặt vào kiệu và được 9 cô gái đồng trinh tiến hành nghi thức rước xuống núi.

Đoàn người xuống núi khi trời chiều vừa tắt nắng. Bấy giờ, con đường xuống núi trở nên dịu mát hơn. Những hàng cổ thụ và cây cối xanh tươi ở hai bên đường càng làm cho phong cảnh trở nên hữu tình. Đó đây trên đường xuống núi, người dân đặt những bàn hương án để cung nghinh Chúa Xứ Thánh Mẫu với thành tâm mong mõi được phù hộ độ trì! Những làn gió nhẹ thoảng đưa làm khói hương lan tỏa đâu đây…! Ai nấy đều cảm nhận một niềm hạnh phúc ấm áp qua nét vui rạng rỡ trên gương mặt. Không gian yên bình quá, thân thiện quá, đã thu hút không ít du khách là người phương Tây cùng tham gia vào đoàn hành hương.

Lúc này, tất cả cư dân, du khách lên núi từ ban sớm đều theo chân đoàn rước kiệu xuống núi. Dòng người đổ xuống trong tiếng chiêng trống vang lừng, như dòng chảy tâm linh bất tận, hình thành một khối niềm tin với sức mạnh vô biên cùng hướng về những ước vọng tốt lành và hướng thiện. Dường như có một sự thôi thúc mãnh liệt nào đó khiến họ xích lại gần nhau hơn và cùng chung một ý thức, một hành động ! Họ đang sống và thở hơi thở của ngày hôm nay, với bao yêu thương, mong ước tốt đẹp dành cho người thân, cho gia đình… nhưng từ nơi sâu thẳm của  tâm tư  như đang quay về chốn xa xưa, bước chân tâm linh đang bước cùng năm tháng, để kết nối giữa hiện thực và quá khứ. Đó phải chăng chính là mạch suối tâm linh đang tuôn chảy đến nghìn năm để làm nên huyền thoại giữa đời thường… ?  

Sức hút của Lễ hội ngày càng lan tỏa :

 Dòng chảy tâm linh đã hóa thân vào hiện thực làm cho  cuộc sống ngày càng trở nên vui tươi, sung túc hơn, và  lễ hội Vía Bà ngày càng có sức lan tỏa rộng lớn hơn. Điều đó đã minh chứng qua hình ảnh đoàn xe cộ tấp nập thi nhau về viếng Miếu Bà Chúa Xứ ngày càng đông vui hơn, luôn tạo ra cảnh ùn tắc tại các bến phà từ thành phố Hồ Chí Minh về An Giang vào mỗi độ từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch hàng năm. Thành phố  Châu Đốc mặc nhiên trở thành đô thị du lịch có sức thu hút du khách một cách mạnh mẽ, khiến cho dòng chảy đầu tư cũng ồ ạt đổ về. Điều đó, khiến người ta ví von rằng : Trên vùng đất lành ấy có đến hai dòng sông cùng chảy, đó là dòng sông Hậu mang phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho ruộng lúa thêm xanh tươi, và dòng chảy tâm linh hối hả ngược dòng mang đến đây biết bao khát vọng tốt lành, bao ấm no thịnh vượng !

Responsive image

 Một trong những nghi thức rước tượng Bà.

Để gìn giữ một thương hiệu du lịch vô cùng quí giá , thành phố Châu Đốc   đang từng bước xây dựng một đô thị ngày càng thân thiện, văn minh, lịch sự, an toàn cho du khách và thu hút những nhà đầu tư. Chính vì biết trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Châu Đốc đã và sẽ nhanh chóng vươn tới một đô thị du lịch vừa khác biệt vừa thành công so với toàn vùng ! 

Thanh Nguyên

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG