Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022
Miền Tây nổi tiếng với các làng nghề làm mắm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là mắm Châu Đốc (An Giang). Du khách đến Châu Đốc thường mua đặc sản này về ăn và làm quà tặng người thân, bạn bè.

Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ẩm thực đa dạng, phong phú của An Giang và nét đẹp văn hóa truyền thống của 04 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Chăm – Hoa sinh sống tại An Giang; đồng thời giới thiệu, khẳng định thương hiệu đặc biệt hương vị “Mắm Châu Đốc” của vùng sông nước miền Tây đến với du khách trong và ngoài nước. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh và Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc tổ chức Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 diễn ra từ ngày 20/4 – 24/4/2022, vào dịp kỷ niệm 30/4 và chuẩn bị vào mùa Ngày hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tại Quảng trường phường Châu Phú A và các tuyến đường Thủ Khoa Nghĩa – Chi Lăng – Bạch Đằng, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với 150 - 180 gian hàng, chia làm 03 khu vực (Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang; Khu triển lãm các tỉnh, thành phố; Khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng).

Tại Khu trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang (80 gian):  Triển lãm theo 04 chuyên đề chính (Mắm – Lúa gạo – Thủy sản – Khô): Khu vực triển lãm tôn vinh ngành Mắm An Giang: Giới thiệu quá trình hình thành, phát triển làm nên thương hiệu của nghề làm Mắm Châu Đốc – An Giang; Thực hiện các tiểu cảnh tôn vinh nghề Mắm An Giang.

Responsive image

 Khu vực triển lãm theo 03 chuyên đề chính  (lúa gạo, thủy sản, khô): Mời đại diện 02 – 03 doanh nghiệp lớn của tỉnh (Lộc Trời, Angimex, Nam Việt) và huyện An Phú tham gia gian hàng. Riêng đối với gian hàng huyện An Phú sẽ tái hiện làng nghề làm khô truyền thống của người dân An Giang xưa – nay.

 Ngôi nhà chung triển lãm “An Giang – tiềm năng – cơ hội đầu tư”: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh An Giang như: sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm đạt OCOP, sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm khởi nghiệp, dịch vụ - du lịch, ấn phẩm thương mại – đầu tư – du lịch…  Thực hiện 04 gian nhà truyền thống kết hợp tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày - văn hóa, văn nghệ - ẩm thực của 04 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Chăm – Hoa đang sinh sống trên địa bàn An Giang.

Tại Khu vực triển lãm các tỉnh, thành phố (trên đường Chi Lăng: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; trên đường Bạch Đằng là các tỉnh: Sơn La, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ …) (63 gian) gồm:  Gian hàng tái hiện đời sống văn hóa - ẩm thực của đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận, Khmer - Sóc Trăng, dân tộc Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk) và  Tây Bắc - Sơn La: Trưng bày giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc; giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của Tỉnh; kết hợp biểu diễn văn nghệ cộng đồng của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer, Tây Nguyên, Tây Bắc và biểu diễn đờn ca tài tử tại khu vực gian hàng của các tỉnh: Ninh Thuận, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Sơn La, Bạc Liêu.  Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre…

 Khu Không gian Văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng (khoảng 15 gian hàng, tương đương 40 gian hàng thương mại) như: Ẩm thực các món ăn địa phương chế biến từ Mắm hoặc sử dụng cùng nước chấm Mắm.   “Gánh hàng rong”, chế biến một số món ăn đặc trưng của An Giang như: bánh canh Vĩnh Trung; cháo bò Tri Tôn, bánh bò thốt nốt… Ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa…  Khu vực sân khấu biểu diễn cộng đồng.

Ngày hội nhằm giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc trưng, giá trị văn hóa truyền thống ẩm thực, món ăn dân gian của tỉnh An Giang và các tỉnh, thành phố với khách du lịch; tạo cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu trên lĩnh vực thương mại – du lịch và đầu tư. Tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh An Giang nói riêng, giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố nói chung; qua đó hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, nắm bắt nhu cầu thị hiếu khách hàng, người tiêu dùng, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại - đầu tư và du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.  Đảm bảo thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới./.

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG