Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Châu Đốc tập trung phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn
Làng nghề thôn nông thành phố Châu Đốc đã có từ lâu đời, với các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống như: Mắm, khô,… Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn thành phố. Chú trọng công tác phát triển ngành nghề truyền thống đồng thời phát triển thêm nghề mới phù hợp với tiềm năng của từng xã để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó cần quan tâm, chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn gắn với phục vụ du lịch và bảo vệ môi trường

Nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành cho cán bộ lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ được phân công theo dõi, quản lý lĩnh vực ngành nghề nông thôn và làng nghề tại địa phương, cũng như đẩy mạnh khả năng tiếp cận chính sách cho các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề góp phần phục vụ hiệu quả cho việc sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế tại địa phương; UBND thành phố Châu Đốc đã triển khai, đăng ký tham dự lớp tập huấn về triển khai chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề; cách thức viết dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức.

Hiện trên địa bàn thành phố Châu Đốc chủ yếu hoạt động thuộc nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản hoạt động có đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động quy mô hộ gia đình, tổng số cơ sở được thống kê đến thời điểm hiện nay là 134 cơ sở (Trong đó: Sản phẩm từ nông sản là 74 cơ sở; sản phẩm từ thủy sản là 59 cơ sở; sản phẩm từ trồng trọt là 01 cơ sở). Các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố thực hiện và duy trì tốt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

 Phần lớn các ngành nghề hoạt động kinh doanh là các sản phẩm chủ yếu phục vụ khách du lịch như: mắm cá các loại, khô cá các loại, đường thốt nốt, khô cá tra phồng, các sản phẩm làm từ nguyên liệu trái thốt nốt được khách tham quan ưa chuộng. Công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở được các hộ tham gia sản xuất trong ngành nghề truyền thống quan tâm và thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ làm nghề thuộc các ngành nghề nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Tạo điều kiện tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất lớn, họ đầu tư đầu vào cho các hộ sản xuất và thu mua lại sản phẩm để liên kết tiêu thụ sản phẩm; ngoài ra nhiều cơ sở còn tham gia xuất khẩu.

 Ngoài việc mua bán kinh doanh tại cơ sở hiện nay, một số cơ sở đã bán hàng thông qua các trang điện tử cá nhân như Zalo, Facebook, …và tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Riêng các sản phẩm đặc sản của thành phố đã tham gia đánh giá phân hạng OCOP được cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận (11 sản phẩm) được giới thiệu và bán sản phẩm trên trang Quản lý thương mại của tỉnh An Giang do Sở Công thương quản lý.

 Thúc đẩy chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2022, kết quả qua đào tạo, có hơn 90% người lao động có việc làm tại chổ trên địa bàn thành phố, góp phần tạo thu nhập, ổn định đời sống, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn 2 xã nông thôn mới mới. Qua đó, đã mở 09 lớp kỹ thuật sản xuất lúa; trồng rau màu; nuôi gia cầm an toàn sinh học, trồng và chăm sóc vườn theo tiêu chuẩn VietGRAP và chế biến khô cá các loại có  210 học viên tham gia.

Đồng thời, từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch ngành nghề nông thôn, tập trung đầu tư phát triển 01 - 02 sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, hầu hết các ngành nghề nông thôn đều có hướng phát triển, sản xuất được tự động hóa, nên sản phẩm khá đồng nhất, chất lượng được nâng lên và đa dạng mẫu mã theo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Sản lượng tăng cao về chất lượng, tạo điều kiện phát triển nhiều dịch vụ hỗ trợ khác, tạo thêm việc làm cho người dân tại địa phương.

Nhà nước quan tâm hỗ trợ về máy móc sản xuất, nhiều nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa tiêu biểu và các hoạt động xúc tiến khác, nên sản phẩm ngành nghề nông thôn ngày càng được đi xa, cung cấp không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nhiều nước, góp phần gìn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống. Những hộ có điều kiện về vốn và khả năng kinh doanh đầu tư phát triển thành cơ sở sản xuất, công ty vừa sản xuất vừa thu gom, mua bán sản phẩm nên mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, vốn hỗ trợ cho hoạt động ngành nghề nông thôn còn rất hạn chế, sản xuất vẫn mang tính tự phát.

 Sản xuất ở các ngành nghề chủ yếu quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, sản phẩm trong cùng ngành nghề nhưng thiếu đồng nhất về mẫu mã, chất lượng. Nhu cầu liên kết, đặc biệt là tiêu thụ giữa các hộ không cao nên khó hình thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để tổ chức sản xuất chung.

Bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các ngành nghề truyền thống tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao./.

HÂN NGUYÊN

 

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG