Mục đích là triển khai thống nhất, đồng bộ 02 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ liên quan (Công an; Tư pháp; Y tế; Bảo hiểm xã hội; Lao động, Thương binh và Xã hội). Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm bớt TTHC, khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết... tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong quá trình thực hiện tại đơn vị, địa phương, nhất là tại cấp xã phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đảm bảo việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, xử lý khi có sự cố xảy ra, trả kết quả cho công dân đúng thời gian quy định. Hồ sơ, thủ tục phải bảo đảm thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật.
Cán bộ thực hiện tiếp nhận hồ sơ phải nắm vững các quy trình, quy định của pháp luật về 02 nhóm TTHC liên thông; thực hiện đúng quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức làm công tác tiếp dân.
Nội dung thực hiện, gồm: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ trực tiếp thực hiện giải quyết hồ sơ (bộ phận một cửa, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, Công an, y tế, Bảo hiểm xã hội) sử dụng thành thạo, khai thác, quản trị các chức năng phần mềm 02 nhóm dịch vụ công liên thông.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về 02 nhóm TTHC liên thông để Nhân dân biết, thực hiện. Hướng dẫn, vận động người dân lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến từ Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc đến bộ phận một cửa cấp xã để được hỗ trợ thực hiện các thủ tục đăng ký đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.
Đồng thời triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ các thủ tục về 02 nhóm TTHC liên thông; triển khai thực hiện nghiêm túc quy trình hướng dẫn theo Phụ lục I, II và sơ đồ quy trình kèm theo Công văn số 2084/VPCP-KSTT ngày 30/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm TTHC liên thông./.