Đình Châu Phú được xây dựng bề thế với lối kiến trúc cổ kính, kiểu chữ "tam", nóc có lầu, mái tam cấp, lợp ngói đại tiểu, nền lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột gỗ căm xe và cà chất. Trên nóc đình chạm khắc nhiều tượng đẹp, khỏe như: Bát tiên, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa long, chim, công, phụng, sư tử...
Chánh điện gồm có 3 gian. Gian giữa là bệ thờ Nguyễn Hữu Cảnh - Thượng đẳng thần, Thoại Ngọc Hầu - Trung đẳng thần và thần Chánh phó Vệ Thuỷ. Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban. Chánh điện có 9 hàng cột, mỗi hàng 4 trụ. Cột được làm bằng gỗ quý, đường kính hơn một vòng tay, ốp liễn đối, sơn son thiếp vàng, chạm trỗ lộng lẫy với các hình bát tiên, chim muông, mai lan, cúc trúc... Tất cả các hàng cột đều có hoành phi và câu đối được sơn thiếp vàng lộng lẫy.
Đình Châu Phú nổi tiếng với các hoạt động lễ hội Kỳ yên hàng năm vào ngày 10 – 13/5/âl gồm:
1. Lễ thỉnh sắc: ngày 10/5 ÂL
Ngay từ sáng ngày mùng 10/5 âm lịch, tiến hành lễ thỉnh "Sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh" từ Nhà lớn về đình. Lễ diễn ra rất long trọng, có xe hoa, long đình, chiêng, trống, học trò lễ v.v... các vị trong Ban Quý Tế đình mặc áo dài khăn đóng đi hầu phía sau. Cùng lúc lễ thỉnh "Sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh" là lễ thỉnh "Sắc thần Thoại Ngọc Hầu", sắc thần của hai ông Chánh Vệ thuỷ Đỗ Đăng Tàu và Phó Vệ thuỷ Lê Văn Sanh được rước về an vị tại đình.
2. Lễ Túc Yết và Xây chầu: ngày 11/5 ÂL
Vào lúc 1 giờ, Hương chức tụ họp tại đình để tổ chức Lễ Túc Yết (gọi tắt là Yết) để trình báo với Thần việc tổ chức lễ tại đình với hàm ý là nghênh Thần. Lễ Túc Yết được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức, khởi chiêng, trống, mõ, một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà.
Ngoài ra, trong lễ Kỳ Yên đình thường có đọc văn tế trong lễ Túc Yết, Xây chầu và Chánh tế. Văn tế thường là bài được viết sẵn, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Văn tế là tư liệu thành văn được viết theo lối biền ngẫu, vế đối chặt chẽ để ca ngợi công đức Thần, tri ân thần và cầu xin thần phù trợ cho dân làng được hưởng cuộc sống bình yên, tốt đẹp trong năm, ngoài ra trong văn tế còn nói về công tích sự nghiệp khai hoang, lập ấp của những con người vô danh. Văn tế được đọc và sau đó đem đốt trong lễ cúng tế.
* Lễ Xây chầu:
Sau lễ Túc Yết, đình tiến hành lễ Xây chầu đại bội và lúc 3 giờ sáng. Lễ Xây chầu còn gọi là lễ Khai tràng - là một trong những nghi lễ long trọng nhất trong lễ Kỳ Yên ở các đình Nam Bộ. Theo quan niệm của Nho gia thì ý nghĩa của lễ Xây chầu không ngoài thuận đạo trời, an đạo đất, hòa người tức liên quan đến tam tài là thiên, địa, nhân (cái lý của đạo trời là âm dương, của đạo đất là nhu cương và của đạo người là nhân nghĩa), ba đạo này hòa hợp với nhau thì vạn vật trong trời đất mới hành thông tốt đẹp. Lễ còn mang ý nghĩa cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, người dân được sống an cư lạc nghiệp.
3. Lễ Chánh tế: ngày 12/5 ÂL
Đây là lễ chính để tạ ơn Thần thường được tổ chức vào lúc 3 giờ ngày thứ ba của lễ Kỳ Yên.
Đến giờ hành lễ ban tế lễ trong khăn áo chỉnh tề đứng xếp hàng bước vào hành lễ. Mở đầu lễ ông Chánh tế đánh ba hồi trống cổ lệnh để bắt đầu khai lễ. Các nghi thức hành lễ được thực hiện một cách nghiêm ngặt theo trình tự xướng của lễ sinh. Nghi thức cúng trong lễ chánh tế cũng tương tự như lễ Túc Yết.
Sau khi cúng Thần xong, các lễ vật này đều được đem ra thiết đãi cho những người tham dự và họ tin tưởng rằng đó là lộc thần sẽ đem đến cho họ nhiều điều may mắn.
4. Lễ hoàn vị sắc thần (Hồi sắc): ngày 13/5 ÂL
Là nghi thức sau cùng của lễ Kỳ Yên, nghi thức này đơn giản hơn khi thỉnh sắc, chỉ thực hiện dâng hương, bái lạy và sau đó chuyển sắc an vị trên bàn thờ Thần.
Sau lễ hoàn vị sắc thần xem như là kết thúc lễ Kỳ Yên, mọi người lại trở về với những công việc hàng ngày của mình và phấn khởi với niềm tin rằng Thần sẽ phù trợ cho gia đình và bản thân họ được an lành, làm ăn được mùa và sung túc./.
Toàn cảnh đình Châu Phú. Ảnh: ST