Phần lễ có những nghi lễ chính như sau:
1- Lễ Phục Hiện: Rước Bà từ bệ đá Bà ngự năm xưa trên đỉnh núi Sam về miếu Bà. Bắt đầu lúc 15h 30, ngày 22/4 ÂL.
2- Lễ tắm Bà: Được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 24/04 ÂL. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng hương, hoặc xin lộc Bà. Phần lễ tắm Bà kết thúc… Nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem hoà trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội.
3- Lễ Thỉnh sắc: Cử hành vào khoảng 16 giờ chiều ngày 25/4 ÂL, một đoàn người gồm các bô lão trong làng quần áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.
4- Lễ Túc yết và Xây chầu: Được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26/04 ÂL, gồm có hai phần: nghi thức cúng tế cầu cho mưa thuận gió hoà, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt. Phần xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh, sau đó, chiêng trống rộ lên, chương trình hát bội bắt đầu.
5- Lễ Chánh tế: Được tổ chức vào 4 giờ sáng ngày 27/4 ÂL, gần giống như nghi thức cúng Túc yết.
6- Lễ Hồi sắc: Cử hành vào khoảng 15giờ ngày 27/4 ÂL, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về Sơn Lăng. Kết thúc lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam.
Miếu Bà Chúa xứ là một trong những danh thắng của núi Sam được nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm mở mang bờ cỏi. Và ngày nay miếu Bà Chúa xứ vẫn thật sự là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất.
Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Ảnh: ST