Đại biểu dự hội thảo
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ, bổ sung nhiều tư liệu liên quan đến thân thế và sự nghiệp, những công lao của tiến sĩ Phạm Văn Bạch trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. Đặc biệt, tiến sĩ Phạm Minh Tiến (con trai út) của tiến sĩ Phạm Văn Bạch cung cấp thêm nhiều tư liệu quý, về chuyện kể, hồi ký và hình ảnh của cha mình.
Hội thảo nhận được 54 bài tham luận, 1 chùm thơ xướng họa của 60 tác giả và đồng tác giả đến từ các cơ quan, ban, ngành tỉnh, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Tiến sĩ Phạm Văn Bạch, sinh ngày 18/6/1910, tại quê mẹ làng Khánh Lộc (nay là xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh); cha của ông là ông Phạm Văn Hãnh, người làng Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Tiến sĩ Phạm Văn Bạch mất ngày 8/3/1987, tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 77 tuổi.
Sinh thời, tiến sĩ Phạm Văn Bạch là một thanh niên yêu nước, một trí thức tiêu biểu Nam Bộ, tiến sĩ trẻ và là nhà cách mạng trẻ tham gia cướp chính quyền của phát- xít Nhật, là Chủ tịch Ủy ban lâm thời tỉnh Bến Tre, được Bác Hồ và Trung ương Đảng tin tưởng giao trọng trách đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước ở Nam Bộ, có 22 năm làm Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
Ông đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện nền tư pháp đất nước, sự phát triển của hệ thống Tòa án Nhân dân Việt Nam và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý.
Theo báo An Giang