Chào mừng đến với Trang Thông tin điện tử thành phố Châu Đốc !
Công bố về việc đặt tên cho các tuyến đường trên địa bàn thành phố Châu Đốc.
Căn cứ Quyết định số 1440/QĐ-UBND ngày 06/09/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc, về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2022.

Trên cơ sở đó, có 3 tuyến đường được đặt tên, cụ thể như sau: đường Vòng Núi Sam thuộc phường Núi Sam đặt tên là đường Phạm Văn Bạch; đường Số 1 và đường Số 7 Khu dân cư hành chính phường Vĩnh Mỹ, thuộc phường Vĩnh Mỹ đặt tên là đường Phùng Văn Cung.

Các tuyến đường đặt tên và tên danh nhân đặt cho tên đường là phù hợp và đủ điều kiện theo quy định của Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang và đã được Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh An Giang thông qua tại cuộc họp ngày 10/04/2023.

Việc đặt tên danh nhân Phạm Văn Bạch và Phùng Văn Cung cho các tuyến đường trên có ý nghĩa rất lớn, thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh, thành phố trong công tác đặt, đổi tên đường; góp phần thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan hệ giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tôn vinh những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong tiến trình dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng của quê hương Châu Đốc. Từ đó khơi dậy và nâng cao niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập noi theo.

Tóm tắt tiểu sử:

PHẠM VĂN BẠCH (1910 - 1986)

- Ông sinh ngày 18/6/1910 tại quê mẹ, làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cha là Phạm Văn Hảnh người làng Vĩnh Tế, tỉnh Châu Đốc (nay là phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).

- Năm 1926, anh thanh niên Phạm Văn Bạch theo gia đình người cậu thứ tư, xuất cảnh sang Pháp. Cuối năm 1936, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh ở Pháp, Tiến sĩ Luật học Phạm Văn Bạch về Cần Thơ dạy học tại trường Collge de Cần Thơ

- Từ năm 1938 – 1940, luật sư Phạm Văn Bạch hành nghề luật sư bào chữa tại Phnôm-Pênh (Vương quốc Campuchia). 

- Giữa năm 1941 – 1944, Giáo sư, Luật sư Phạm Văn Bạch về lại Cần Thơ tiếp tục tham gia các hoạt động giúp đỡ, bào chữa cho cán bộ cách mạng trên địa bàn một số tỉnh miền Tây Nam bộ.     

- Tháng 8/1945, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Bến Tre (Từ tháng 8/1945 đến ngày 10/9/1945).

          -  Tháng 9/1945, ông được giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam bộ (Từ ngày 11/9/1945 đến tháng 12/1946).

- Ngày 29/6/1946, đồng chí Phạm Văn Bạch được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

- Từ tháng 12/1946, ông được cử nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam.

- Từ tháng 9/1954, ông giữ chức Phó Trưởng Ban miền Nam của Trung ương Đảng (Từ tháng 9/1954 đến tháng 12/1954).

- Từ tháng 1/1955, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Ban Quan hệ Bắc Nam của Chánh phủ (đến tháng 6/1957).

- Ngày 29/3/1955, Thứ trưởng Phạm Văn Bạch được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa I: 1955 (đến Khóa VI: 1980 - 1987).

- Từ năm 1955, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch là Phó Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL thành lập tháng 10/1946) - Tổ chức phi Chính phủ có tư cách cố vấn tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hiệp quốc (ECOSOC) trụ sở đặt tại Brusxelles (Vương quốc Bỉ).

- Từ tháng 6/1957, ông Phạm Văn Bạch làm Thứ trưởng tại Phủ Thủ tướng kiêm Ủy viên Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương, các khu, thành và tỉnh của Chính phủ (Từ tháng 6/1957 đến tháng 9/1959).

- Tháng 9/1959, Thứ trưởng Phạm Văn Bạch giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiêm Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, phụ trách ngành Luật của Tòa án nhân dân tối cao.

-  Ông là đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Bến Tre, khóa II, III, IV, V đơn vị tỉnh Vĩnh Phú, khóa VI đơn vị tỉnh Hậu Giang.

- Từ ngày 31/7/1967 đến năm 1970, ông là Viện trưởng Viện Luật học Việt Nam.

- Từ tháng 02/1972 đến tháng 02/1974, ông là thành viên của “Ủy ban Quốc tế Điều tra Tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam” Tập đoàn quân sự tại Chilê; dự hai cuộc họp của Ủy ban này tại Phần Lan và Mêhicô; thành viên của Tòa án Quốc tế Bertrand Roussel II tại Bruxelles (Vương quốc Bỉ) lên án tội ác của đế quốc Mỹ ở Châu Mỹ - Latinh; Phó Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế.

- Những năm chống Mỹ cứu nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Phạm Văn Bạch được Trung ương giao thêm trọng trách Chủ tịch Ủy ban tố cáo tội ác đế quốc Mỹ xâm lược.

- Từ tháng 5/1983, ông là thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được bổ nhiệm thành viên Đoàn Chủ tịch cho đến khi ông mất ngày 8/3/1986 tại thành phố Hồ Chí Minh.  

PHÙNG VĂN CUNG (1909 -1987)

- Ông sinh ngày 15/5/1909 tại thôn Tân Bình, làng Tân An, tổng Bình Long, Quận Long Châu (Châu Thành), tỉnh Vĩnh Long (nay là khóm 1, phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

- Năm 1937, ông tốt nghiệp Đại học và sang Phnôm Pênh làm việc.

- Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông về quê vợ ở làng Hội An, chợ Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) mở phòng khám bệnh, trực tiếp giúp dân nghèo và tham gia cách mạng.

- Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Sa Đéc.

- Năm 1957, chính quyền Sài Gòn mời ông ra làm giám đốc Bệnh viện tỉnh Châu Đốc rồi Rạch Giá.

- Cuối năm 1958, ông lên Sài Gòn làm Giám đốc bệnh viện Phúc Kiến (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi).

- Ngày 20/12/1960, ông được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

- Tháng 3/1964, ông được kết nạp vào Đảng.

- Năm 1969, tại Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1969, ông được cử làm trưởng phái đoàn nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc, gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Tháng 2/1977, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận, ông được cử làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là ủy viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, ủy viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của thành phố Hồ Chí Minh.

- Ngày 07/11/1987, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC

 

Hình Ảnh Hoạt Động
DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG